Tin tức trong ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo giới thiệu việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đánh dấu thời điểm có 725 dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Sáu dịch vụ công được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) từ ngày 1/7 bao gồm: (1) Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; (2) Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; (3) Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; (4) Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; (5) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); (6) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông.
Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo
Theo đó, từ ngày 1/7, khách hàng có thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện, nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, điểm chung của 6 dịch vụ công vừa đưa lên Cổng DVCQG chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. Đẩy mạnh thanh toán điện tử cũng là nội dung bởi trong thời gian qua, dịch Covid-19 mang đến thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.
Ngày 1/7, Bamboo Airways đã khai trương 2 đường bay mới kết nối Thanh Hóa – Quy Nhơn và Thanh Hóa – Phú Quốc.
Khai trương 2 đường bay mới kết nối Thanh Hóa – Quy Nhơn và Thanh Hóa – Phú Quốc
Đường bay Thanh Hóa – Quy Nhơn được khai thác với tuần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần vào thứ 3, thứ 5, thứ 6 và Chủ nhật, khởi hành lúc 10:10 tại Cảng Hàng không (CHK) Phù Cát và 12:25 tại CHK Thọ Xuân. Thời gian bay khoảng 1 giờ 35 phút.
Hành trình kết nối Thanh Hóa – Phú Quốc được Bamboo Airways dự kiến tần suất là 3 chuyến khứ hồi/tuần vào thứ 2, thứ 4 và thứ 7, khởi hành lúc 9:50 tại Phú Quốc và 12:35 tại Thanh Hóa. Thời gian bay khoảng 2 giờ 5 phút.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá
Cũng trong phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích về việc vì sao giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách cũ, đó là do thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động dịch Covid-19.