Tin tức trong ngày 25/6, Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra mưa lớn kèm theo giông, lốc đã làm hơn 180 căn nhà ở các xã: Hội An, Bình Phước Xuân, Long Điền B và An Thạnh Trung, huyện Chợ mới bị sập và tốc mái, ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Có 5 người bị vật dụng ngã đổ đè bị thương. Ngoài ra, mưa giông, lốc xoáy còn làm đứt đường dây điện trên Tỉnh lộ 942, hàng nghìn cây ăn trái... đang cho trái bị đổ ngã.
Mưa lớn làm sập và tốc mái nhiều căn nhà tại An Giang
Ngay sau giông lốc xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 cán bộ chiến sĩ lực lượng công an, quân sự hỗ trợ người dân và thu dọn hiện trường để không ùn tắt giao thông
Ngành điện lực nhanh chóng khắc phục sự cố, khôi phục đường đây điện bị đứt rơi trên đường, đồng thời, đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các gia đình sớm khắc phục khó khăn để ổn định chỗ ở sau sự cố lốc xoáy. Trước mắt, hỗ trợ các hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn 3 triệu đồng/hộ, nhà tốc mái 1 triệu đồng/hộ.
UBND tỉnh Lào Cai vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần phát triển thủy điện (Địa chỉ trụ sở chính: Số 17/55/358 đường Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, do ông Phùng Hồng Tuấn làm Giám đốc) về hành vi không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.
Chiếu theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, doanh nghiệp này phải chịu mức phạt 220.000.000 đồng.
Công trình thủy điện Minh Lương thượng
Theo một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp bị xử phạt đang sở hữu công trình thủy điện Minh Lương thượng. Thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19 và giãn cách xã hội, các kế hoạch thanh kiểm tra của ngành chức năng phải lui lại nên một số doanh nghiệp có biểu hiện thiếu nghiêm túc trong chấp hành các quy định của pháp luật
Bên cạnh việc bị phạt tiền, Công ty Cổ phần phát triển thủy điện còn phải khẩn trương khắc phục hậu quả đã gây ra, duy trì dòng chảy tối thiểu trở lại.
Sáng ngày 25/6, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Từ thiện Blooomberg tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ và triển khai các can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em năm 2020.
Dự án "Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” giai đoạn 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg đã triển khai được 2 năm tại 8 tỉnh, thành phố.
Có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm
Với các nỗ lực đó, mặc dù tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Ngay trong tháng trẻ em, hàng ngày vẫn xảy ra những vụ tử vong do đuối nước rất thương tâm. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, đứng đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.
Nguyên nhân do thiếu sự giám sát của cha mẹ, trong khi đó tỷ lệ trẻ biết bơi và có kỹ năng phòng tránh đuối nước chỉ chiếm 30% . Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và hướng dẫn viên dạy bơi, đặc biệt là ở vùng miền núi khó khăn…