Tin tức thế giới 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 tuyên bố sẽ hối thúc thống đốc các bang mở cửa lại trường học vào mùa thu này, bất kể số ca mắc Covid-19 ở Mỹ tăng vọt trong thời gian gần đây buộc các nhà chức trách một số địa phương phải dừng hoặc thu hẹp kế hoạch mở cửa trở lại.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích quyết định của Đại học Harvard hôm 6/7 khi chuyển tất cả các khóa học sang trực tuyến trong năm học 2020 - 2021.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trước đó, hôm 6/7, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo, sinh viên quốc tế đang theo học để lấy bằng tại Mỹ sẽ phải rời khỏi nước này hoặc có nguy cơ bị trục xuất nếu các trường đại học mà họ theo học chuyển sang hình thức chỉ học trực tuyến.
Các doanh nghiệp và các nhóm bảo thủ yêu cầu nhanh chóng mở cửa lại các trường học một cách an toàn bởi việc này sẽ giúp các bậc phụ huynh quay lại làm việc cũng như khôi phục nền kinh tế Mỹ.
Thông tin chính thức do Ủy ban Y tế và sức khỏe Khu tự trị Nội Mông Cổ công bố ngày 7/7, hiện địa phương này có 1 bệnh nhân dịch hạch, 15 người tiếp xúc gần đang được theo dõi y tế tại nhà và 3 điểm có vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Bệnh nhân trên ở thành phố Bayann Nur thuộc Khu tự trị Nội Mông Cổ, được xác nhận nhiễm bệnh hôm 5/7, hiện tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo ông Phục Thụy Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức Khỏe Khu tự trị Nội Mông Cổ, địa phương này đã phát hiện được 3 điểm dịch có vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, trong đó có 1 điểm là thị trấn nơi bệnh nhân trên sinh sống. Tại điểm dịch này, người ta đã phát hiện được 4 cá thể loài gặm nhấm bị chết hôm 18/6, sau đó xác định đây là con vật nhiễm bệnh gây dịch hạch.
Bệnh dịch hạch được phát hiện ở Nội Mông Cổ, Trung Quốc
Qua tài liệu dịch tễ học, bệnh nhân ở Nội Mông, Trung Quốc chủ yếu sinh sống trên thảo nguyên gần điểm dịch kể trên. Theo tự thuật, trước khi phát bệnh 10 ngày, người bệnh không tiếp xúc với người bị dịch hạch hoặc bị sốt, không ăn động vật hoang dã, cũng không tiếp xúc với động vật hoặc chuột bị chết.
Hiện nay, 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này đang được cách ly theo dõi y tế tại nhà. Khoảng 3,6km2 diện tích vùng dịch đã được xử lý, điểm dịch cũng đã được khử trùng diệt khuẩn.
Trong một cuộc họp thảo luận về các cơ chế giảm phát thải khí Carbon của Indonesia ngày 7/7, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo lưu ý các bộ ban ngành liên quan thực hiện chương trình phục hồi môi trường, trong đó, tiếp tục các hợp tác với Na Uy kể từ năm 2010 để giảm phát thải nhà kính, mặc dù chính phủ nước này đang phải tập trung xử lý đại dịch Covid-19.
Theo Tổng thống Joko Widodo, dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Indonesia có nghĩa vụ phải giảm lượng khí thải Carbon ở các lĩnh vực khác nhau. Ông yêu cầu mục tiêu giảm 26% khí thải nhà kính vào năm 2020 và 29% vào năm 2030 phải được thực hiện.
Indonesia đặt mục tiêu giảm 26% khí thải nhà kính vào năm 2020
Theo Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, bà Siti Nurbaya Bakar, Indonesia đã nhận được 56 triệu USD từ chính phủ Na Uy bởi những thành công trong việc giảm 24,7% khí phát thải trong giai đoạn 2016-2017. Số tiền này sẽ được đưa vào Quỹ thành tựu của Bộ tài chính để sử dụng với mục đích phục hồi môi trường thông qua các chương trình vườn ươm ngập mặn, phục hồi đất than bùn và giải quyết một số vấn đề liên quan đến đất đai quan trọng khác.
Bộ trưởng Siti cho biết, việc giảm khí thải nhà kính tại Indonesia cho đến nay là sự phối hợp của cộng đồng, khu vực tư nhân và chính phủ. Bà cũng thừa nhận, chính phủ Indonesia đã gặp khó khăn trong việc giảm phát thải nhà kính vào năm 2019 do vấn nạn cháy rừng và đất, song nước này vẫn lạc quan sẽ đạt mục tiêu giảm 26% khí thải nhà kính vào năm nay.