Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:24
RSS

Tin tức pháp luật 7/4: Đi xe SH tới cướp thẻ cào điện thoại

Thứ ba, 07/04/2020, 16:54 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h nóng nhất hôm nay thứ 3 ngày 7/4: Chủ xưởng quần áo giả hàng hiệu bị truy tố, đi xe SH tới cướp thẻ cào điện thoại...

Đi xe SH tới cướp thẻ cào điện thoại

Tin tức pháp luật 7/4: Võ Trung Huy (23 tuổi), Nguyễn Văn Sơn (25 tuổi) và Nguyễn Anh Tuấn (23 tuổi, cùng trú xã Bình Quý) đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm rời khỏi nơi cư trú để điều tra hành vi cướp giật tài sản, Công an huyện Thăng Bình cho biết hôm 7/4.

Đi xe SH tới cướp thẻ cào điện thoại

Từ trái qua Nguyễn Anh Tuấn.Võ Trung Huy Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Đại Hiệp.

Theo kết quả điều tra, ba người làm công nhân ở một công ty tại thành phố Hội An, đang nghỉ việc tạm thời để phòng covid-19 Không có việc làm, thiếu tiền nạp điện thoại, ngày 26/3, ba người đi xe SH đến quán tạp hóa xã Bình Nguyên. 

Huy và Sơn nổ máy đứng ngoài, Tuấn vờ vào hỏi mua thẻ cào mệnh giá 200.000 đồng, sau đó giật lấy, ra xe bỏ chạy. Vài giờ sau, công an bắt được nhóm thủ phạm qua trích xuất dữ camera.

"Khi họ khai lý do, chúng tôi còn chưa tin đó là sự thật, cho đến khi kiểm tra ví không có tiền. Kiểm tra điện thoại ba người thì tài khoản đều không đồng, các thẻ cào chưa kịp nộp", điều tra viên nói.

Đại tá Trần Văn Xuân, Trưởng Công an huyện Thăng Bình cho hay, số tiền cướp giật tuy nhỏ, nhưng hành vi đã thể hiện tính chất manh động, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội Cướp giật tài sản.

Ông lão 84 tuổi đòi nhà người tình sau chia tay

Cụ Chính, 84 tuổi, đòi người tình kém 32 tuổi trả lại căn hộ chị này đứng tên trong thời gian chung sống như vợ chồng, sau khi chia tay.

Cụ Chính và bà Linh quen nhau qua mạng, nảy sinh tình cảm nên chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Đầu năm 2016, sau khi bán nhà ở đường Hồng Bàng (quận 10) được hơn 4,3 tỷ đồng, ông lão mua căn hộ tại Trung tâm thương mại dịch vụ Lucky Palace (quận 6) giá hơn 2,2 tỷ để hai người ở.

Theo đơn khởi kiện, tháng 11 năm đó, cụ Chính kêu bà Linh đứng tên căn hộ do ông đã có một căn hộ khác, nếu đứng tên căn này sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng. Vì tin tưởng người tình nên cụ không làm giấy tờ để chứng minh việc nhờ đứng tên. Đến cuối năm, hai người xảy ra nhiều mâu thuẫn, bà Linh bỏ về nhà mình.

Sau nhiều lần yêu cầu bà Linh sang tên, giao lại căn hộ cho mình không được, tháng 10/2017 cụ Chính kiện ra TAND quận 6 đòi nhà. Ông yêu cầu bà Linh tháo dỡ đồ đạc đã gắn ở căn hộ, không tính tiền thuê nhà, chỉ hỗ trợ người tình 100 triệu đồng.

Về phần mình, bà Linh cho biết thời gian sống chung ông Chính đã đồng ý chuyển nhượng căn hộ cho mình. Bà không nhớ chính xác số tiền mua căn hộ bao nhiêu, nhưng đã đưa cho người tình 20 lượng vàng và 1,4 tỷ đồng. Mọi thủ tục, hợp đồng mua bán, đứng tên đều giao cho cụ Chính làm.

Số tiền mua nhà, theo bà Linh, do người chồng quá cố và các con tích cóp nhiều năm gửi cho mình. Bản thân bà trước khi về sống chung với ông Chính cũng đi làm có lương, có nhà cho thuê. Cũng vì tin tưởng ông nên bà không làm giấy tờ khi giao tiền và vàng.

Bà Linh phản đối việc cụ Chính cho rằng đang sở hữu căn hộ khác nên mới "nhờ bà đứng tên để né thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng", bởi bản thân bà cũng đang đứng tên một căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8 và lô đất ở huyện Củ Chi.

Tại phiên xử sơ thẩm năm ngoái, cụ Chính khẳng định mình là người mua căn hộ nên còn giữ bản gốc hợp đồng và phiếu thu tiền với chủ đầu tư chứ không phải bà Linh nhờ giữ hộ.

Khai với tòa, đại diện công ty bất động sản cho biết mọi giao dịch mua bán căn hộ đều thực hiện với ông Chính. Người này còn đưa cụ ông đến ngân hàng rút tiền từ việc bán nhà trên đường Hồng Bàng để thanh toán tiền mua căn hộ. Lúc đó, công ty cũng giúp ông Chính bán một căn nhà và căn chung cư để có tiền mua hai căn hộ mới.

TAND quận 6 cho rằng lời khai của nguyên đơn về nguồn gốc số tiền mua căn hộ là phù hợp với các giấy tờ, chứng cứ và lời khai của người làm chứng. 

Về việc bà Linh nói "không nhớ căn hộ mua bao nhiêu tiền và không làm giấy tờ biên nhận khi giao tiền và vàng", HĐXX cho rằng lời khai không thuyết phục vì bà hơn 50 tuổi, đủ khả năng nhận thức. Bị đơn khai "không biết rõ đã đưa loại vàng gì" cho ông Chính, không cung cấp được các bằng chứng về nguồn gốc số tiền, là không đủ cơ sở để chấp nhận.

Từ đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Chính, buộc bà Linh trả lại căn hộ. Không chấp nhận phán quyết này, bà Linh kháng cáo.

TAND TP HCM xử phúc thẩm hồi cuối tháng 3, căn cứ hồ sơ và các chứng cứ, cho rằng bản án sơ thẩm "có cơ sở" nên giữ nguyên.

Chủ xưởng quần áo giả hàng hiệu bị truy tố

Nguyễn Kim Hoài (34 tuổi) bị cáo buộc cho công nhân gắn mác giả nhãn hiệu Uniqlo, Adidas lên hơn 10.000 sản phẩm may mặc do xưởng của mình sản xuất.

Vì hành vi trên, Hoài bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Sản xuất hàng giả, khung hình phạt 7-15 năm tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2014, Hoài mở xưởng sản xuất quần áo Đông Dương tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Thấy may quần áo thông thường lợi nhuận không cao, tháng 2/2019, Hoài thuê người in nhãn mác giả của thương hiệu nước ngoài để gắn vào sản phẩm.

Hoài mua vải tấm từ chợ đầu mối lớn ở Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân) hoặc mua bán vải thanh lý rao bán trên mạng; nhập mua logo nhãn hiệu, mác vải, nhãn giấy giả từ TP HCM. Hoài cho in nhãn hiệu Adidas, Uniqlo lên vải miếng bằng máy ép truyền nhiệt đặt tại xưởng Đông Dương. Xong các công đoạn này, Hoài thuê các xưởng gia công may ở huyện Ba Vì (Hà Nội) may thành các sản phẩm áo, quần hoàn chỉnh với tiền công 2.500 đồng/áo và 2.000 đồng/quần. Sản phẩm hoàn thiện được chuyển về xưởng Đông Dương để đóng gói, đưa ra tiêu thụ.

Hành vi của Hoài bị phát giác vào ngày 29/5/2019 khi cảnh sát phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đến kiểm tra. Cáo trạng kết luận, hơn 13.600 sản phẩm đã bị làm giả, tương đương với hàng thật trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Quân Nguyễn (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN