Thứ năm, 02/05/2024 | 15:42
RSS

Tiền mãn kinh: Làm gì để hóa giải cơn bốc hỏa

Thứ tư, 14/08/2019, 14:48 (GMT+7)

Bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, có đến 75% chị em phụ nữ gặp phải những cơn bốc hỏa, gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt. Vậy cơn bốc hỏa tiền mãn kinh là gì?

cơn bốc hỏa tiền mãn kinh

Cơn bốc hỏa tiền mãn kinh gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống phụ nữ

Bốc hỏa tiền mãn kinh là gì?

Bốc hỏa là một trong những triệu chứng phổ biến và ảnh hưởng thường xuyên nhất đến phụ nữ khi trải qua thời kỳ tiền mãn kinh. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, 75% số phụ nữ mãn kinh đều đã từng bị bốc hỏa đổ mồ hôi. Triệu chứng này thường bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh, tuy cũng có một số trường hợp bắt đầu sau khi mãn kinh. Hơn 80% phụ nữ bị bốc hỏa trên một năm. Nếu không điều trị, các cơn bốc hỏa sẽ cải thiện dần trong vòng một vài năm sau, nhưng có một số ít trường hợp kéo dài cả thập kỷ gây ra nhiều khó chịu cho phụ nữ độ tuổi này.

Bốc hỏa trong người là hiện tượng bỗng dưng nóng dần dần từ phần ngực lên đến cổ, nóng bừng mặt rồi tỏa khắp người. Lúc đó, cơ thể nóng bừng, sau đó mồ hôi lạnh vã ra nhưng nhiệt độ cơ thể lại không thay đổi, riêng nhiệt độ da tăng cao từ 4-7 độ C.

cơn bốc hỏa

Bốc hỏa trong người là hiện tượng bỗng dưng nóng dần dần từ phần ngực lên đến cổ

Mỗi cơn bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh thường gặp nhất diễn ra từ 2-3 phút, tuy nhiên cũng có thể dao động từ 30 giây đến 30 phút. Bên cạnh đó, trong thời gian bốc hỏa, ngoài việc cơ thể nóng ran như đang sốt bạn còn cảm thấy mệt mỏi rã rời đồng thời huyết áp, nhịp tim có thể tăng cao.

Bốc hỏa xảy ra vào bất kì thời điểm nào trong ngày, có khi lên tới 10-15 lần và có thể kéo dài đến 5-10 năm. Đặc biệt, những cơn bốc hỏa tiền mãn kinh hay xảy ra vào ban đêm khiến chị em khó chịu tỉnh giấc và rất khó ngủ trở lại, nếu không trị dứt cơn bốc hỏa thì mất ngủ có nguy cơ trở thành mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, phụ nữ tiền mãn kinh kèm các cơn bốc hỏa có nhiều khả năng bị trầm cảm

Thay đổi lối sống và hạ thấp nhiệt độ trong phòng có thể làm giảm số lượng các cơn bốc hỏa ở phụ nữ có triệu chứng.

Bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh bắt nguồn từ đâu?

Nguyên nhân của các cơn bốc hỏa là không rõ ràng. Đa phần các giả thuyết là do rối loạn chức năng điều nhiệt, khởi đầu ở vùng dưới đồi do giảm sút nồng độ estrogen.

cơn bốc hỏa

Nguyên nhân của bốc hỏa được cho là do sự giảm sút nồng độ estrogen

Các nghiên cứu đã xác định rằng các cơn bốc hỏa là do rối loạn chức năng điều nhiệt: các mạch máu ngoại biên bị giãn bất thường, đổ mồ hôi dẫn đến mất nhiệt nhanh chóng và giảm nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường, run rẩy, sau đó là hoạt động bình thường để khôi phục lại thân nhiệt như cũ.

Một loạt các nghiên cứu cho thấy rằng vùng điều nhiệt trung tâm bị thu hẹp ở những phụ nữ bị bốc hỏa. Cung cấp estrogen làm cho vùng điều nhiệt trung tâm trở lại bình thường.

Cơ chế giải thích sự khởi phát các cơn bốc hỏa là do sự suy giảm peptide opioid nội sinh. Estrogen làm tăng hoạt động peptide opioid trung ương và mất cân bằng nội tiết tố nữ estrogen có thể kèm với giảm hoặc không có opioid trung tâm nội sinh.

Những cơn bốc hỏa lên mặt xảy ra không theo một quy luật cụ thể nào nên những cơn bốc hỏa khiến cuộc sống của chị em phụ nữ bị đảo lộn, gây cảm giác khó chịu, bực bội, cáu gắt bộc phát thường xuyên.

Giải pháp cho phụ nữ bị bốc hỏa là gì?

Thay đổi lối sống và sử dụng các sản phẩm bổ sung và nuôi dưỡng cơ thể sản sinh estrogen là cách giúp ngăn ngừa bốc hỏa đối với phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh:

Phụ nữ có triệu chứng nhẹ thường không cần can thiệp bằng thuốc. Các phương pháp có thể áp dụng như thay đổi lối sống (bao gồm cả việc giữ mát cơ thể và tập thể dục thường xuyên), bổ sung các sản phẩm cung cấp và nuôi dưỡng buồng trứng sản sinh estrogen.

cơn bốc hỏa

Cần thay đổi lối sống để khiến giảm dần các cơn bốc hỏa tiền mãn kinh

Phụ nữ bị bốc hỏa uống thuốc gì?

Giải đáp cho câu hỏi “Tôi bị bốc hỏa uống thuốc gì?” thì đây là một vài gợi ý theo hướng dẫn của Hội Mãn kinh Bắc Mỹ (The North American Menopause Society - NAMS):

  • Tránh nơi nóng bức, đồ uống nóng, thức ăn nóng, rượu, cà phê, căng thẳng quá mức và hút thuốc lá.
  • Để giảm căng thẳng và có giấc ngủ ngon hơn nên tập thể dục thường xuyên, nhưng không quá gần giờ đi ngủ. Thiền, yoga, khí công, thái cực quyền, phản hồi sinh học, châm cứu hoặc massage cũng sẽ giúp giảm căng thẳng.
  • Khi cơn bốc hỏa bắt đầu, hãy thử thở bụng chậm, sâu - hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Thở chỉ 5 - 7 lần/phút, chậm hơn rất nhiều so với thông thường.
  • Thử các cách khác nhau để giữ mát trong khi ngủ. Mặc áo ngủ thoáng khí và nhẹ. Sử dụng giường có nhiều lớp để có thể dễ dàng loại bỏ trong đêm. Để một chiếc quạt cạnh giường. Giữ một túi chườm lạnh hoặc túi đậu đông lạnh dưới gối của bạn và chiếc gối để đầu luôn được đặt trên một bề mặt mát mẻ.
  • Nếu thức vào ban đêm, hãy uống một ly nước mát và thử các cách khác nhau để trở lại giấc ngủ, chẳng hạn như: thiền, hô hấp nhịp độ hoặc ra khỏi giường và đọc sách cho đến khi buồn ngủ.
  • Phụ nữ thừa cân dễ bị bốc hỏa hơn, do đó, duy trì một trọng lượng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên để giảm bốc hỏa và cải thiện sức khỏe tổng quát.
Trang Nguyễn
Theo Đời sống Plus/GĐVN