Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:00
RSS

Sức khỏe của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh

Thứ hai, 05/08/2019, 15:34 (GMT+7)

Phụ nữ trung niên phải đối mặt với những thay đổi thời kỳ tiền mãn kinh khiến họ thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt và khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ với những người xung quanh.

Sức khỏe của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh


Vậy làm sao để khắc phục chứng rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ trung niên?
Đôi điều về thời kỳ tiền mãn kinh
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ, xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết tố nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh mỗi tháng, và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Sức khỏe của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh

  • Mãn kinh diễn tiến từ từ theo tuổi tác, thường qua 2 giai đoạn:
    • Tiền mãn kinh, thường xảy ra ở độ tuổi từ 45-50, có thể kéo dài 2-3 đến 5 năm tùy người, do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesteron), dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài, dây dưa.
    • Mãn kinh thật sự, thường ở lứa tuổi từ 50-55, do buồng trứng ngưng hẳn hoạt động và ngưng tiết nội tiết tố nữ, dẫn đến kinh nguyệt mất hẳn.
  • Mãn kinh sớm là mãn kinh trước 40 tuổi. Khi đó, người phụ nữ không còn khả năng có thai được nữa, do không còn có nang noãn chín hoặc noãn không thể phóng được (không rụng trứng được). Mãn kinh sớm xảy ra ở những phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, chiếu tia xạ trị bệnh, bị rối loạn miễn dịch, đã được phẫu thuật cắt tử cung nhưng còn chừa 2 buồng trứng,…
  • Mãn kinh muộn là mãn kinh sau 55 tuổi.


Những rối loạn về tâm - sinh lý trong giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh

  • Rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện chủ yếu nhất trong thời kỳ tiền mãn kinh: vòng kinh dài, ngắn và ra huyết bất thường.
    • Xử trí: Chỉ khi nào ra huyết nhiều quá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thì mới cần nhờ đến sự can thiệp của nhân viên y tế để cầm máu, nếu không cứ để tự nhiên, giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt tốt, sẽ đến lúc kinh ngừng hẳn.
    • Lưu ý: Kinh phải mất hẳn trên 12 tháng mới chắc chắn là mãn kinh thật sự. Nếu chỉ mất kinh vài ba tháng, nên cẩn thận để tránh có thai ngoài ý muốn.
  • Ngoài ra, có thể có giảm ham muốn tình dục do khô âm đạo, mụn trứng cá, tóc rụng, mệt mỏi kinh niên, lông mặt mọc rậm, da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da, tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói bị ồ; âm đạo khô teo gây đau khi giao hợp; nhiễm trùng tiết niệu và són tiểu do niêm mạc đường tiết niệu cũng bị khô teo. Một số người đi tiểu nhiều lần, tiểu khó vì niệu đạo bị xơ cứng. 
  • Cơn bốc hỏa: Thỉnh thoảng xảy ra, do rối loạn vận mạch làm nóng bừng ở ngực, lưng, cổ, đỏ mặt, đổ mồ hôi, nhiều nhất là về đêm, gây khó chịu, mất ngủ. Có thể kèm cảm giác nặng chân, vọp bẻ,…

Sức khỏe của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh

  • Tâm sinh lý thay đổi đa dạng. Có người tính tình trở nên trầm mặc, lo âu, băn khoăn, chán nản hay thất vọng, thường không vừa lòng với môi trường xung quanh. Người ta nhận thấy có đến 46% phụ nữ bị mất ngủ, mệt nhọc trong thời kỳ mãn kinh, vận động chậm chạp, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng. Trạng thái dễ kích động, cáu gắt, hay gây gổ.

Các triệu chứng này kéo dài độ vài năm rồi tự hết, do cơ thể đã quen dần với tình trạng thiếu hụt estrogen. Tuy nhiên, cũng có người thấy những triệu chứng này nặng hơn khi đã chuyển sang giai đoạn mãn kinh thật sự.

Những rối loạn có thể gặp sau khi mãn kinh thật sự
Thời kỳ sau mãn kinh, có thể có nhiều thay đổi nhưng lại diễn tiến trầm lặng, kéo dài nhiều năm trước khi có những rối loạn rõ ràng:

  • Tính tình: Hay buồn vẩn vơ, trầm uất, hoặc dễ nóng nảy, cáu gắt, hay quên,…
  • Niêm mạc sinh dục: Dần dần teo mỏng, làm âm hộ, âm đạo khô, ngứa, rát, giao hợp đau, dễ bị xây xước và nhiễm trùng.
  • Sa sinh dục: Do cơ, dây chằng vùng chậu bị nhão hơn.
  • Tiết niệu: Tiểu nhiều lần, đôi khi không tự chủ được (tiểu són), tiểu buốt dù nước tiểu vẫn trong, và không có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Da, tóc: Da kém mềm mại, khô nhăn, có đốm đồi mồi, tóc khô, rụng, dễ gãy,…

Sức khỏe của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh

  • Tăng trọng: Dễ mập, mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng và đùi.
  • Xương: Thiếu nội tiết tố khiến xương mất dần canxi và chất khoáng, dẫn đến loãng xương, xương giòn, dễ gãy. Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh ít có cảm giác về loãng xương cho đến khi bị gãy xương tự nhiên (không có va chạm, chấn thương). Thường gặp nhất là gãy đầu dưới xương cẳng tay, cổ xương đùi. Ngoài ra, còn bị vẹo cột sống, đau vùng thắt lưng, đau thần kinh tọa. Nếu cuộc sống kéo dài đến 80 tuổi thì từ 20 đến 80 tuổi, ít nhất đã có 50% khối lượng xương bị mất đi. Tuổi mãn kinh càng kéo dài hay buồng trứng bị cắt bỏ quá sớm không được trị liệu thì chất xương càng bị mất nhiều.
  • Tim mạch: Xơ cứng thành mạch, chủ yếu là nguy cơ bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim.
  • Ung thư sinh dục: Thiếu nội tiết tố buồng trứng là yếu tố khơi dậy một vài ung thư sẵn có nơi bộ phận sinh dục.

Điều trị tiền mãn kinh – mãn kinh
Nguyên tắc sử dụng nội tiết: liều thấp nhất có hiệu quả.

  • Thời gian sử dụng tùy thuộc vào thể trạng và yêu cầu từng người.
  • Phối hợp estrogen/progestogen nếu còn tử cung.
  • Để giống với sinh lý, estrogen được dùng là estrogen tự nhiên hoặc gần giống với tự nhiên
  • Hiện nay trên thị trường có loại thực phẩm chức năng giúp nuôi dưỡng buồng trứng sản sinh estrogen tự nhiên.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt:

  • Giữ tinh thần thanh thản, vui tươi, cảm thấy có ích cho gia đình và xã hội
  • Cần có hoạt động chân tay kèm theo hoạt động trí tuệ.
  • Dinh dưỡng theo khoa học
  • Uống bổ sung các loại vitamine, vi khoáng, ăn nhẹ vào buổi tối
  • Nắm rõ thông tin về các triệu chứng cơ năng của tuổi mãn kinh và nguyên nhân của các triệu chứng là những thay đổi nội tiết chứ không phải bệnh lý
  • Phụ nữ cần bắm rõ các bệnh ung thư có thể xảy ra cho phụ nữ tuổi mãn kinh  và nên cố làm các xét nghiệm để phát hiện sớm các loại ung thư ở phụ nữ cao tuổi như ung thƣ cổ tử cung, ung thư vú...

 

Quỳnh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN