Ngày 9/10, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh này đang lên phương án để đón công dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình đang lưu trú tại TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An gặp khó khăn do dịch Covid-19 có nhu cầu cấp thiết trở về địa phương.
Việc hỗ trợ, tổ chức đón công dân tỉnh Thái Bình đang lưu trú ở các địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nêu trên nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm và sự quan tâm đối với công dân tỉnh Thái Bình đang làm ăn, sinh sống xa quê hương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, các đơn vị của tỉnh đang khẩn trương thực hiện các công việc liên quan để đón được bà con từ vùng dịch về sớm nhất. (Ảnh: N.H)
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện các công việc liên quan để có thể đón bà con về, đồng thời lên các phương án để đảm bảo phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly; không để lây nhiễm đối với cán bộ, lực lượng y tế và lực lượng trực đón…
Tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện đón công dân đang bị ảnh hưởng vì Covid-19 về tỉnh sau ngày 10/10/2021.
Kế hoạch của tỉnh Thái Bình cho thấy, việc đón công dân trở về Thái Bình từ các tỉnh kể trên được thực hiện theo nguyên tắc thực hiện đón theo từng đợt, dựa trên cơ sở dung lượng, khả năng tổ chức cách ly của các huyện, thành phố và điều kiện, tình hình phòng chống dịch của tỉnh, không tổ chức đón ồ ạt.
Tỉnh Thái Bình sẽ đón công dân theo thứ tự các nhóm ưu tiên đã được xét duyệt; đảm bảo đón đúng đối tượng hỗ trợ, không đón người không thuộc diện hỗ trợ, không đón người tranh thủ "di tản" khỏi vùng dịch.
Các công dân được đón từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An khi trở về phải được cách ly tập trung.
Những người lao động đang trong thời gian không có việc làm là 1 trong 6 nhóm đối tượng dự kiến tỉnh Thái Bình sẽ đón. (Ảnh: Diệu Bình)
Đối tượng trong kế hoạch là công dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình đang lao động, học tập, công tác, khám chữa bệnh, thăm thân, du lịch… lưu trú ở các địa phương nêu trên có nguyện vọng trở về địa phương.
Nhóm 1 gồm phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già yếu từ đủ 65 tuổi trở lên, người bệnh (không thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm gây dịch), học sinh, sinh viên.
Đối với người thuộc nhóm 1 mà không tự phục vụ được trong sinh hoạt thì được bố trí 1 người đi cùng để chăm sóc, phục vụ.
Nhóm 2 gồm giáo viên, người đi công tác theo phân công của các cơ quan, tổ chức.
Nhóm 3 gồm các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật của doanh nghiệp.
Nhóm 4 là người đi du lịch thăm thân đang bị mắc kẹt.
Nhóm 5 là người lao động nhưng đang trong thời gian không có việc làm.
Nhóm 6 là một số đối tượng đặc biệt khác.
Các công dân được tiếp nhận để đưa về tỉnh Thái Bình phải đáp ứng đủ các điều kiện.
Theo đó, công dân không thuộc vùng phong tỏa và vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Không thuộc diện dạng đang thực hiện cách ly, điều trị Covid-19; có kết quả xét nghiệm Sars-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (từ thời điểm có kết quả đến thời điểm đón).
Các công dân phải có nguyện vọng đăng ký trở về tỉnh Thái Bình hoặc có đơn đăng ký của thân nhân tại tỉnh Thái Bình được cấp có thẩm quyền xác nhận; có đủ điều kiện sức khỏe để di chuyển.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, công dân có thể lựa chọn nhiều hình thức đăng ký.
Công dân có thể đăng ký qua UBND cấp xã (nơi công dân đăng ký tạm trú, thường trú) hoặc trên cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình (thaibinh.gov.vn) hoặc qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình (qua email: tiepnhancongdanthaibinh@gmail.com) và Sở Lao động – thương binh và Xã hội nơi công dân đang lưu trú.
Bên cạnh đó, công dân cũng có thể đăng ký qua Bộ Tư lệnh TP.HCM, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Thái Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; Hội đồng hương tỉnh Thái Bình tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Mẫu đơn đăng ký với các công dân có nhu cầu cấp thiết trở về tỉnh Thái Bình.
Tỉnh Thái Bình cũng cho biết, tỉnh này sẽ căn cứ nhu cầu đăng ký của công dân để xây dựng phương án tiếp nhận theo từng đợt, mỗi đợt đón cách nhau khoảng 1, 2 tuần.
Phương tiện vận chuyển gồm máy bay, tàu hỏa, xe ô tô (có phương án cụ thể cho từng đợt).
Công dân được đón về tỉnh có trách nhiệm đăng ký, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân liên quan; chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu; kết quả xét nghiệm; giấy chứng nhận đã cách ly, tư trang cá nhân…) để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu và thực hiện biện pháp cách ly phòng, chống dịch khi về Thái Bình.
Thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo đúng quy đinh của cơ quan có thẩm quyền; thanh toán các khoản kinh phí thuộc trách nhiệm của công dân theo quy định.
Kế hoạch đón người của tỉnh Thái Bình nêu rõ, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo một phần; nguồn tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân; từ các khoản thanh toán của công dân theo quy định hiện hành.