Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:50
RSS

Sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt

Thứ năm, 31/10/2019, 11:55 (GMT+7)

Hai ngày nay, báo chí đưa hàng loạt những thông tin, hình ảnh về việc giáo viên của Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt có hành vi không đúng mực với học sinh. Cơ sở này cũng bị cho là để học sinh sinh hoạt không sạch sẽ và nhiều vấn đề bất cập khác.

Điều kiện dạy học thô sơ

Tháng 7/2019, PV Vietnamnet có mặt tại Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (Đông Anh, Hà Nội) với vai trò giáo viên tập sự, PV được chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con đến đây gửi gắm. Khi có phụ huynh, đại diện trung tâm đưa một số em khá nhanh nhẹn, tỉnh táo hơn so với các em còn lại ra biểu diễn.

Trên hành lang, các em được yêu cầu diễn xiếc với các bộ môn tung bóng, đi xe đạp 1 bánh… như một cách để quảng cáo cho trung tâm. Phụ huynh đưa con đến đây từ các tỉnh khắp cả nước, xa nhất là TP.HCM, họ biết đến trung tâm đa phần từ các kênh truyền thông.

Trong những ngày làm giáo viên tập sự tại trung tâm, chúng tôi thấy trẻ nhận vào trung tâm không trải qua bất kỳ một bài test kiểm tra mức độ nặng, nhẹ của bệnh. Khi hỏi một số phụ huynh đưa con đến học, họ cũng cho biết con họ được nhận vào trung tâm không có kiểm tra đầu vào, đánh giá mức độ tự kỷ. Thậm chí, giáo viên ở đây thừa nhận trẻ tự kỷ, trẻ bị tâm thần, đến người lớn bị trầm cảm… đều được đào tạo chung.

Tất cả đều theo một phương pháp là: luyện xiếc với 4 kỹ năng. Theo đó, các học sinh được chia vào 4 phòng đào tạo các môn: đội chai nước lên đầu; tung 3 -5 quả bóng; đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh…

Sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt
Một buổi học ở bên trong Tâm Việt. Ảnh: Vietnamnet
Sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt
Điều kiện ăn ở thô sơ. Ảnh: Vietnamnet

Sau khi thành thục các động tác trên, học sinh sẽ chuyển sang học môn phối hợp đồng thời đội chai nước, đi xe đạp, tung bóng hoặc đồng thời đội chai nước, đứng trên con lăn, tung bóng.

Dụng cụ dạy học ở đây rất thô sơ, là các chai nước, bóng tennis, con lăn được làm bằng sắt, những tấm gỗ cũ… Mặc dù các môn học khá mạo hiểm, dễ khiến trẻ mất thằng bằng, ngã nhưng trong quá trình luyện tập các em không có đồ bảo hộ (mũ bảo hiểm hay bất kỳ đồ bảo hộ tay, chân nào khác).

Chương trình giáo dục tại Tâm Việt dành cho trẻ tự kỷ bắt đầu từ 6h sáng. Các em được dạy môn đi xe đạp 1 bánh. Sau đó suốt thời gian còn lại của buổi sáng và buổi chiều, các học sinh được đưa vào 4 phòng học để học tung bóng, đội chai nước.

4 phòng học này được ngăn cách với hành lang bằng 1 cánh cổng sắt kiên cố. Đây cũng là phòng ngủ, sinh hoạt của các học sinh. Các học sinh luyện tập tại phòng, ăn uống tập thể tại hành lang lớp.

Trong phòng, có những tấm phản được dựng tại góc. Buổi trưa, tối các tấm phản này được dựng xuống để làm chỗ cho học sinh ngủ. Phòng đầu tiên là phòng đội chai nước do một giáo viên nữ tên H. (SN 1995) đứng lớp. Tràn ngập phòng là mùi khai, hôi do các học sinh đi vệ sinh không được lau dọn kỹ càng.

Mập mờ giấy phép hoạt động

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, 'Trung tâm thuê trụ sở tại ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh và đã hết hợp đồng từ ngày 1/9'.

Được biết, hiện, trung tâm này đã chuyển về Đông Anh, Hà Nội. Bà Dương Thị Sáu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, Hà Nội, khẳng định phía Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh chưa cấp phép hoạt động cho trung tâm Tâm Việt vì các trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ không thuộc thẩm quyền cấp phép của phòng.

Theo PLO, Trung tâm Tâm Việt ở Đông Anh đang có khoảng 40 trẻ với 5 giáo viên chính thức. Hàng tháng, mỗi trẻ sẽ phải đóng phí từ 0 đồng đến 15 triệu đồng, tùy trẻ. Đặc biệt, ngoài các giáo viên chính thức còn có thêm các cộng tác viên và những huấn luyện viên đặc biệt. Những huấn luyện viên đặc biệt này thực chất chính là học sinh đang theo học tại Tâm Việt.

"Những huấn luyện viên này là học sinh của Trung tâm. Mỗi em có thế mạnh và điểm yếu riêng. Điểm yếu thì sẽ được Trung tâm huấn luyện thêm còn điểm mạnh thì phải để cho những em đó phát huy, kèm cặp thêm cho những em khác. Tùy theo năng lực mà các em này sẽ được giảm chi phí khi theo học tại đây. Như khi mới vào phải đóng 7 triệu đồng thì có thể giảm dần cho đến khi không phải đóng thêm đồng nào. Cái này tuyệt vời nhất là có đầu ra", ông Phan Quốc Việt GĐ trung tâm nhấn mạnh.

Khi hỏi về giấy phép hoạt động của Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt, ông Việt luôn tìm lý do không trả lời.

Chiều 30/10, PLO đã liên hệ với UBND xã Đông Hội để xác minh hoạt động liên kết giữa Trung tâm Tâm Việt và Phòng khám Đa khoa Chữ thập đỏ Đông Anh, song UBND xã hẹn sẽ thông tin sau.

Cùng ngày, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết trước những thông tin này, Cục đang khẩn trương xác minh. Sau đó, Cục sẽ đề nghị Sở LĐ-TB-XH Bắc Ninh tổ chức tiến hành thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em nếu có.

Trao đổi thêm với PLO, bà Trần Thị Hoa Mai, Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh gửi con ở Trung tâm Tâm Việt về việc cơ sở vật chất tồi tàn, bữa ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh; chế độ tập luyện không phù hợp, tập các động tác thăng bằng nguy hiểm mà không có đồ bảo hộ, việc chăm sóc y tế không tốt; nhiều cháu ốm bệnh, sút cân, tinh thần hoảng hốt. Tâm Việt còn thường khuyến cáo phụ huynh hạn chế thăm con và đón con về nhà, nhất là trong tháng đầu tiên. 

Do đó, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam đã có kiến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan khoa học... xác minh làm rõ cơ sở pháp lý về quá trình hoạt động của Trung tâm Tâm Việt; Trung tâm Tâm Việt có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất đúng pháp luật để mở một trường nội trú cho trẻ khuyết tật hay không. Các cháu được giáo dục theo chương trình nào và có được bảo đảm an toàn, sức khỏe tâm lý, các nhu cầu đặc biệt của người khuyết tật cũng phải được làm rõ.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN