Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:46
RSS

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Đắk Nông cao gấp gần 12 lần năm ngoái

Thứ năm, 01/12/2022, 06:47 (GMT+7)

Đắk Nông ghi nhận 3.013 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 11,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 2.840 ca). Đồng thời ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.


Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn hiện đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc liên tục tăng tại nhiều huyện, thành phố. 

Cụ thểm tính đến ngày 26/11, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 3.013 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 11,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 2.840 ca). Toàn bộ 71/71 xã, phường, thị trấn đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết, trong có 4 địa phương có số ca mắc cao và chiếm hơn 77% số ca mắc toàn tỉnh là Đắk Mil, Cư Jút, thành phố Gia Nghĩa và Đắk Song.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thông tin, tính đến cuối tháng 10/2022, Bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho khoảng 700 người mắc sốt xuất huyết. Hầu hết các trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao, trong đó có nhiều người diễn biến nặng, phải triển khai biện pháp điều trị phức tạp. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trở nặng rất nhanh, khác với các mùa dịch trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân là nữ, 50 tuổi, trú tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút. Ghi nhận các triệu chứng sốt xuất huyết của bệnh nhân như sốt, đau đầu, đau bụng… vào ngày 19/11. 

Bệnh nhân sau đó được nhập viện điều trị trước khi chuyển viện và tử vong ngày 22/11 tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân tử vong là do sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, bao gồm: tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu.

Trước diễn biến của dịch bệnh, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành y tế địa phương giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Đặc biệt là hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy ngay tại các hộ gia đình. Xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch trong vòng 48 tiếng đồng hồ ngay sau khi phát hiện. Giám sát chủ động các khu vực nguy cơ cao, ổ dịch cũ. Thu dung, điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước nguy cơ dịch bùng phát kéo dài, lan rộng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. 

Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....

Đặc biệt, khi phát hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại