Thứ năm, 25/04/2024 | 22:10
RSS

Trao thẻ BHYT cho bà con dân tộc thiểu số, trao niềm tin vào cuộc sống

Thứ tư, 23/11/2022, 06:08 (GMT+7)

Thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn, không mua BHYT, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã không dám đi viện khi bị bệnh.

Không có thẻ BHYT, ốm cũng không dám đi viện

Chị Thị Ưng (29 tuổi dân tộc S'tiêng trú tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng) chia sẻ, chị và chồng đi làm thuê theo thời vụ, thu nhập chỉ 2-3 triệu đồng/tháng. Số tiền đó trả tiền ăn cho vợ chồng chị và 2 con đều không đủ. 

Do đó, chị không có tiền để mua BHYT cho hai vợ chồng và đứa con 11 tuổi. Đứa con út của chị năm nay cũng đã 6 tuổi, sang năm sẽ không còn được cấp thẻ BHYT nữa nên chị rất lo. 

"Trước đây, gia đình tôi thuộc diện chính sách, được cấp thẻ BHYT miễn phí nên con cái ốm đau cũng có thể đi bệnh viện khám. Nhưng hơn 1 năm nay, chính sách thay đổi, gia đình không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa. Không có tiền mua thẻ BHYT thì ốm đau càng chẳng có tiền chi trả viện phí, chắc là ốm cũng không dám đi viện đâu", chị Ưng cho biết. 


Bệnh nhân Thị Xương (1983) đang chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước . Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu định kỳ 3 lần/tuần, được BHYT chi trả 100% viện phí. Tổng chi phí mà BHYT chi trả cho 3 năm chạy thận lên đến hơn 430 triệu đồng. Ảnh CTV

Chị Ưng là một trong số hơn 100.000 người không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí tại tỉnh Bình Phước theo chính sách mới. 

Báo cáo của BHXH tỉnh Bình Phước cho biết, thực hiện Nghị quyết 861 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, danh sách các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thu hẹp nhiều người dân trên địa bàn không còn được ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT. 

Cụ thể, thời gian qua, toàn tỉnh có trên 100.000 người bị cắt giảm thẻ BHYT, tương ứng khoảng 10% dân số Bình Phước. Việc này tác động lớn đến vấn đề thụ hưởng quyền lợi BHYT của người dân cũng như mục tiêu phủ BHYT toàn dân trên địa bàn một tỉnh khó khăn bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ.

Bà Nông Thị Lũy, Bí thư Đảng ủy xã Đường 10 cho biết sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Dù UBND xã đã tích cực vận động nhưng nhiều người dân vẫn không mua thẻ BHYT. 

"Nhiều người dân còn hạn chế về nhận thức, đang khỏe mạnh nên không thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT. Ngoài ra, một số hộ gia đình còn khó khăn, thu nhập bấp bênh nên không có tiền mua thẻ BHYT cho cả nhà", bà Lũy chia sẻ. 

Theo bà Lũy, vừa qua tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các chính sách bảo hiểm, trong đó điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ dân tộc thiểu số ngoài nguồn ngân sách của trung ương. Với sự hỗ trợ này riêng xã Đường 10 có gần 2.700 trẻ BHYT được trao tặng cho người dân. 

Vừa được trao tặng thẻ BHYT, chị Thị Ưng vô cùng mừng rỡ. Chị cho biết, giờ đây chị đã yên tâm hơn vì nếu có lỡ ốm đau thì vợ chồng, con cái có thể kịp thời đi khám bệnh, điều trị, chăm sóc sức khỏe mà không sợ không có tiền chi trả viện phí. 

Vận động cán bộ, Đảng viên mua BHYT cho người thân

Ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc BHXH huyện Bù Đăng cho biết, từ cuối năm 2021, do sự thay đổi của chính sách nên có hàng chục ngàn người dân của huyện đã không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. 

Tuy nhiên, thời gian qua, với nhiều chính sách tuyên truyền, vận động, hỗ trợ… số người tham gia BHYT của huyện Bù Đăng hiện đã đạt 82%, riêng xã Đường 10, hiện 100% hộ gia đình đã có thẻ BHYT. 


Trao tặng thẻ BHYT cho người dân nghèo tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh CTV

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, toàn huyện có khoảng hơn 20.000 người không được cấp thẻ BHYT miễn phí khiến tỷ lệ người dân huyện Bù Đăng tham gia BHYT chỉ còn 50%. Đây là con số thấp kỷ lục trong nhiều năm nay khiến chính quyền rất lo lắng. 

Để "vực" dậy, huyện nỗ lực triển khai nghị quyết về việc thực hiện chính sách bảo hiểm đến năm 2025, trong đó có vấn đề hỗ trợ thẻ BHYT và chỉ thị giao cán bộ, công chức, viên chức vận động người thân, gia đình tham gia. 

Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên được giao đảm bảo để người thân đều có/mua thẻ BHYT và "lo" cho ít nhất một người tham gia BHXH tự nguyện.

Huyện cũng tổ chức làm việc với các chức sắc, linh mục, mục sư,  người trụ trì các chùa… vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. 

Giải pháp khác là dựa vào các đoàn từ thiện. Chính quyền trực tiếp đề nghị với nhiều đơn vị mua thẻ BHYT tặng cho người dân thay vì chỉ tập trung mua quà là nhu yếu phẩm.

"Trước nay, các đoàn thiện nguyện hầu hết chỉ suy nghĩ tặng bà con mì tôm, đồ khô nhưng đó chỉ là hỗ trợ trước mắt. 

Thực tế, nếu người dân trên địa bàn thiếu đói thì thì chính quyền đều sẽ lập tức đề xuất xuất cấp gạo, lương thực từ nguồn dự trữ hỗ trợ nên đảm bảo giờ không còn người bị thiếu đói. Vì vậy, việc tặng thẻ BHYT sẽ ý nghĩa và cần thiết hơn là tặng gạo hay mì tôm. Người nghèo bị ốm mà không có thẻ BHYT "gánh" đỡ thì sẽ càng đói nghèo, kiệt quệ hơn. 

Người dân được nhận thẻ, yên tâm đi khám, chữa bệnh. Từ đó, họ sẽ nhận thấy giá trị của việc tham gia BHYT, nên sau này sẽ cố gắng bỏ tiền mua thẻ BHYT.", ông Lưu khẳng định. 

Ông Lê Xuân Cao, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước cũng chia sẻ, với những xã không còn chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người dân, thì việc duy trì và nâng cao tỉ lệ bao phủ BHYT cũng đòi hỏi ở các địa phương có các giải pháp linh hoạt. 

Cụ thể, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, vận động sự tài trợ của doanh nghiệp có tiềm lực để hỗ trợ đóng BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. 

Đặc biệt phát huy vai trò gương mẫu của Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong việc chăm lo thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cho người thân, phấn đấu hết năm 2023 có 93% dân số của tỉnh Bình Phước sẽ tham gia BHYT. 

Đến nay, BHXH tỉnh Bình Phước đã vận động các cá nhân, nhà hảo tâm với số tiền trên 2,2 tỷ đồng tương đương với hơn 18.000 thẻ BHYT để người có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng. 

Diệu Linh
Theo Dân Việt