Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:16
RSS

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1: Càng đọc càng ra lỗi?

Thứ ba, 08/12/2020, 13:35 (GMT+7)

Từng kiến nghị thu hồi sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 (bộ Cánh diều) nhưng sau khi đọc cả 4 cuốn SGK Tiếng Việt 1 khác thuộc 4 bộ sách do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam biên soạn, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho rằng tất cả các cuốn sách đều có lỗi, đặc biệt có nhữn

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1: Càng đọc càng ra lỗi?

“Tiếng Việt 1” của nhóm “Cánh diều” nhận nhiều phê phán thời gian qua

Làm khó giáo viên

Sau những phản biện xã hội về SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều, nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các bậc phụ huynh, giáo viên đã dành thời gian nghiên cứu các bộ SGK Tiếng Việt 1 khác. Không ít những hạt sạn lại tiếp tục được nhặt trong quá trình thầy và trò cùng nhau mở sách, học bài bởi xét đến cùng, SGK hiện vẫn đang là tài liệu dạy học cơ bản, được sử dụng thường xuyên của hầu hết các trường tiểu học nói riêng cũng như hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta.

Cụ thể, ở bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, giáo viên lấy ví dụ bài tập đọc “Đi sở thú” (trang 73, tập 1, Tiếng Việt 1) kể chuyện một em bé tên là Lam đi sở thú. Sở thú này chỉ có ngan, gà và “có anh chó vàng đua xe đạp” – đây là những con vật không nuôi trong sở thú.

Hay trong sách Tiếng Việt 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 đưa ra câu hỏi “Ai ai cũng có - Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu - Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)”. Nhưng đi kèm với câu đố không có hình ảnh, chi tiết để trẻ nhận dạng và liên tưởng đến đồ vật đó khiến giáo viên khó hướng dẫn trẻ trên lớp.

PGS Nguyễn Hữu Đạt chỉ ra các tranh vẽ minh họa cho các bài học cũng không đạt chất lượng, nội dung một đằng, tranh minh họa một nẻo, thiếu gắn kết hệ thống. Chẳng hạn, ở bộ Chân trời sáng tạo, hình minh họa cho bờ đê lại là bờ… đập. Hoặc bài đọc nói về ngôi nhà “gỗ, tre mộc mạc” (bài tập đọc Ngôi nhà, sách Kết nối tri thức) nhưng hình minh họa lại là ngôi nhà tường trát vôi ve, mái ngói đỏ…

PGS Đạt băn khoăn, những lỗi mà ông chỉ ra, rất dễ nhìn thấy, dễ phát hiện ra, có những lỗi không cần tới một người có chuyên môn cũng có thể nhận ra. Vậy mà tại sao lại vẫn lọt qua bao nhiêu vòng xét duyệt?

Tất cả những lỗi trên đều cho thấy những người làm sách thiếu vốn sống thực tế, cách làm ẩu, “tùy hứng”, thiếu sự nghiêm túc, cẩn trọng, yếu về trình độ tiếng Việt. Tuy nhiên, khi lỗi lặp lại ở cả 5 bộ sách thì thấy rằng, dường như, nguyên nhân lỗi lại ở cấp vĩ mô, trong đó có vấn đề lý luận, phương pháp xây dựng SGK, vấn đề quản lý, tổ chức.

“Vì sao các bộ sách đều lặp lại những cấu trúc câu khiến nội dung trở thành ngô nghê kiểu như “bò có nho”, “nghé có cỏ”? Các nhà biên soạn trả lời rằng, đó là do học sinh chưa học đến âm, vần đó thì phải “gò” vào các âm, vần đã học. Vậy thì đây là do quy định của GDĐT hay là quan điểm của các nhà biên soạn?” - PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đặt câu hỏi.

Không thể “sửa cho xong”

Trước thông tin được phản ánh, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin và đang lắng nghe thêm ý kiến các chuyên gia, đồng thời cho rà soát lại toàn bộ chi tiết được phản ánh là sai sót, chưa chuẩn về ngữ liệu, ngữ pháp trong Tiếng Việt 1. Hiện NXB đã gửi báo cáo kết quả rà soát, đánh giá về những thông tin do giáo viên, báo chí phản ánh lên Bộ GDĐT. Sau khi có thông báo, NXB sẽ công bố. Nếu có sai sót, NXB sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp với học sinh để có những bộ sách đạt chuẩn giáo dục nhất có thể.

Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, tại Điều 9, Thông tư 33 của Bộ GDĐT quy định về thẩm định chỉnh sửa nội dung SGK có ghi rõ: “SGK không phải là tài liệu bất biến”. Các NXB và lực lượng liên quan đến SGK có trách nhiệm cũng như quyền hạn điều chỉnh, bổ sung nội dung SGK hợp lý và ngày càng tốt hơn.

Trong đó, tác giả là người chịu trách nhiệm cao nhất về SGK nhưng không thể phủ nhận vai trò của Hội đồng Thẩm định quốc gia, Bộ GDĐT trong việc phê duyệt các bộ sách đưa vào sử dụng trong dạy và học. Trách nhiệm “gác cửa” để hạn chế tối đa những lỗi sai có thể mắc phải của các cuốn sách cần được đặt lên hàng đầu và không nhân nhượng với bất kỳ một hạt sạn nào. Kể cả những chi tiết thấy “gờn gợn” cũng không nên đưa vào sách bởi đây là tài liệu dạy học nên cần các kiến thức chuẩn mực.

Với riêng học sinh lớp 1, các em nên được dạy các từ phổ thông, thường gặp trong cuộc sống hàng ngày thay vì đi tra từ điển những từ chưa gặp, chưa nghe bao giờ. Hoặc những ngữ liệu trong sách nên tránh chọn những bài dài, sau đó tóm tắt lại theo ý tác giả sẽ khiến bài học trở nên khó hiểu, xa lạ, thậm chí gây hiểu lầm cho người đọc…

Có lỗi thì phải sửa đó là đương nhiên. Nhưng sửa như thế nào để đảm bảo chất lượng, tránh thiệt thòi cho người học là một vấn đề cần được các tác giả nhìn nhận nghiêm túc và thực hiện cẩn trọng. Không thể sửa cho xong, cho có như phương án vừa rồi là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đồng thời là mong mỏi của xã hội đối với SGK Tiếng Việt 1 nói riêng và các cuốn SGK biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung.

Thu Hương
Theo Đại đoàn Kết