Thứ năm, 21/11/2024 | 23:04
RSS

Phiên tòa cô giúp việc thắng kiện tỉ phú gây chấn động Singapore

Thứ tư, 23/09/2020, 21:19 (GMT+7)

Suốt 4 năm chiến đấu không mệt mỏi, nữ giúp việc người Indonesia cuối cùng đã chứng minh được sự trong sạch của mình.

Sự kiện:
Singapore

Theo Đài BBC, vào tháng 9 vừa qua, dư luận Singapore đã dồn mọi sự chú ý vào một phiên tòa đặc biệt liên quan đến cuộc chiến pháp lý giữa một nữ giúp việc với tỷ phú đình đám. Theo hồ sơ vụ án bà Parti Liyani (45 tuổi), quốc tịch Indonesia, đã làm giúp việc cho một gia đình ông Liew Mun Leong  giàu có sở hữu những công ty lớn nhất nhì đảo quốc này, với mức lương 600 SGD/tháng (khoảng 438 USD).

Một ngày cách đây khoảng 4 năm, gia đình tỉ phú cáo buộc cô giúp việc lấy trộm đồ và báo cảnh sát vụ việc. Chỉ mãi tới đầu tháng này, sau bốn năm chiến đấu đòi Công Lý rốt cuộc cô Parti Liyani đã được tòa tuyên vô tội.

Theo đó cô Parti bắt đầu làm việc cho gia đình Liew Mun Leong từ năm 2007. Tới tháng 3/2016, anh Karl Liew, con trai ông Liew Mun Leong, cùng gia đình anh này chuyển ra sống ở một căn nhà khác.

Cáo trạng của tòa nêu chi tiết một chuỗi các sự kiện sau đó cho biết cô Parti bị yêu cầu nhiều lần tới lau dọn nhà mới cũng như văn phòng làm việc của anh Karl Liew. Điều này là vi phạm các luật lệ lao động của Singapore và cô Parti cũng đã phàn nàn chuyện đó.

Vài tháng sau đó, gia đình Liew thông báo cô Parti bị đuổi việc vì nghi ngờ cô lấy đồ của họ. Tuy nhiên cô Parti có nói với anh Karl Liew khi anh này thông báo việc cô bị sa thải: "Tôi biết tại sao. Ông tức giận vì tôi đã từ chối dọn dẹp toilet nhà ông".

Singapore chấn động với phiên tòa cô giúp việc thắng kiện tỉ phú
Cô Parti từng làm giúp việc cho gia đình ông Liew Mun Leong trong nhiều năm. Ảnh: BBC

Cô Parti được cho hai tiếng thu vén tư trang vào nhiều thùng đồ để nhà chủ gửi về Indonesia. Trong cùng ngày cô đi máy bay về nhà. Trong khi thu dọn đồ, cô Parti có dọa sẽ khiếu nại lên chính quyền Singapore việc cô bị yêu cầu phải dọn nhà của anh Karl Liew.

Gia đình Liew quyết định kiểm tra các thùng đồ tư trang sau khi cô Parti đã đi, và tuyên bố họ tìm thấy nhiều món đồ của mình trong đó. Ông Liew Mun Leong và con trai đã nộp đơn tố cáo sự việc với cảnh sát ngày 30/10/2016.

Cô Parti nói không biết gì về chuyện này, cho tới năm tuần sau đó, khi bay trở lại Singapore tìm việc mới, cô bị bắt khi vừa tới nơi. Không thể tìm việc vì đang liên đới một vụ tố tụng hình sự, cô Parti phải ở tạm trong khu của người lao động nhập cư và sống nhờ sự hỗ trợ tài chính của họ trong lúc chờ xét xử vụ việc.

Cô Parti bị buộc tội đánh cắp nhiều món đồ khác nhau của gia đình Liew gồm 115 món quần áo, nhiều túi xách hạng sang, một đầu máy DVD và một chiếc đồng hồ Gerald Genta. Tổng cộng giá trị những món đồ này được cho là khoảng 34.000 SGD.

Tuy nhiên trong phiên tòa, cô nói những thứ đó hoặc là đồ của cô, hoặc là những thứ đã bị vứt đi cô nhặt được, và có cả những thứ cô không hề xếp vào thùng đồ.

Năm 2019, một thẩm phán khu vực kết án cô Parti có tội và tuyên phạt 2 năm và 2 tháng tù.  Cô Liyani cùng luật sư riêng đã chiến đấu tới cùng với gia chủ giàu có. Và phải mất 4 năm, cuối cùng vào ngày 4/9/2020, bà Liyani mới được tòa án cấp cao Singapore tuyên trắng án. Ngay sau khi sự thật được phanh phui, gia đình chủ tịch Liew Mun Leong đã bị dư luận chỉ trích gay gắt. Một số cư dân mạng còn yêu cầu ông Liew từ chức.

Singapore chấn động với phiên tòa cô giúp việc thắng kiện tỉ phú

Ông Liew từ chức sau vụ đổ oan người giúp việc

Tới ngày 10/9, trước sức ép của dư luận về vụ án bê bối, ông Liew Mun Leong tuyên bố sẽ rời ghế chủ tịch của Tập đoàn Sân bay Changi và các vị trí hội đồng quản trị khác, theo Bloomberg. Được biết, ông Liew là một doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn tại đảo quốc sư tử và từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Cuộc chiến pháp lý này đã gây chấn động dư luận Singapore khi nó đại diện cho cuộc đấu tranh giữa người giàu và người nghèo. Và việc nữ giúp việc người Indonesia giành chiến thắng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh chống lại cái ác, đòi sự công bằng, lẽ phải và khẳng định rằng công lý vẫn luôn tồn tại, không phân biệt tầng lớp, giai cấp.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN