Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:45
RSS

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Qúi Thanh: Những góc khuất dữ dội và ý chí hơn người

Thứ sáu, 26/04/2019, 14:07 (GMT+7)

Xuất thân trong gia đình khá giả nhưng lại phải vào cô nhi viện khắc nghiệt và tàn bạo như các trại tập trung; ẩu đả với bạn, bị nhốt chung với heo, không có cái ăn, cái mặc... Tuổi thơ cơ cực đã giúp ông chủ Tân Hiệp Phát nghiệm rằng: "muốn tồn tại thì phải làm tốt và phải chiến đấu".

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Qúi Thanh: Những góc khuất dữ dội và ý chí hơn người
Ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Qúi Thanh

Nhiều người biết đến ông Trần Quí Thanh với vai trò là ông chủ của Tân Hiệp Phát - tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam. Cũng có không ít những doanh nhân trẻ thần tượng Dr Thanh vì những ý tưởng kinh doanh độc đáo.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi có được thành công như ngày hôm nay, Dr Thanh đã từng có một tuổi thơ dữ dội và ý chí hơn người để vượt qua quá trình khởi nghiệp đầy thăng trầm, trắc trở.

Những tháng ngày không quần áo, bị nhốt vào chuồng lợn

Cậu bé Trần Qúi Thanh ra đời ngày 15/10/1953 tại xóm Cầu Bông, mé bên quận Phú Nhuận (TP HCM) trong một gia đình khá giả. Bố là ông Trần Văn Bưởi - chủ vựa buôn bán vật liệu xây dựng Hiệp Phát. Từ bé, Thanh đã được gửi vào trường Taberd Sài Gòn, một ngôi trường nói tiếng Pháp danh giá bậc nhất lúc bấy giờ, dành cho con cái nhà giàu.

Những tưởng cuộc sống êm đẹp sẽ mãi gắn liền với cậu bé Thanh, thì biến cố đột ngột xảy đến khi mẹ đẻ - bà Nguyễn Thị Thâu qua đời. Cay đắng hơn là lúc này hai người con riêng của bà đã bày mưu tính kế chiếm hết gia sản, thậm chí còn có ý định thủ tiêu Thanh, khiến ông Trần Văn Bưởi buộc phải gửi con trai mình vào cô nhi viện - cách khá xa Đà Lạt, do một bà sơ người Pháp cai quản.

Từ thời điểm ấy, cuộc sống của cậu bé Thanh mới chín, mười tuổi đã chuyển sang một trang khác – trại trẻ mồ côi hết sức khắc nghiệt và tàn bạo như trong các trại tập trung. Đám trẻ mồ côi được thu gom quy tụ về nhiều thành phần bất hảo, gồm cả người Việt lẫn con lai Mỹ đen, Mỹ trắng, quen sống lang thang đầu đường xó chợ, đầu gấu bất trị nên kỷ luật áp dụng trong trại là kỷ luật thép. Giám thị trại không khác cai tù, sẵn sàng lạnh lùng ra tay bất cứ lúc nào, với những hình phạt nhẫn tâm nhất ngoài sức tưởng tượng.

Cậu bé Trần Qúi Thanh là “ma mới”, không giấu nổi vẻ nghênh ngang của con nhà giàu, nên trong 6 năm sống tại đây, nhiều lần bị  đánh hội đồng đến tơi tả. Có lần, Thanh đã lãnh nguyên bản án của trại, được “thưởng thức” những trận mưa roi, xát muối đến khi mông đít đỏ lựng. Mỗi sáng bị phạt không được đi học, bắt phong phanh quỳ gối trước sân, còn tối đến thì bị nắm đầu quăng vô chuồng heo.

Bữa cơm ngày ấy tại cô nhi viện, Thanh và đa số bọn trẻ nuốt không trôi cục mỡ, ói lên ói xuống nhưng vẫn phải nghiến răng nuốt, nếu không muốn bị đánh đòn... 

Buổi trưa ăn xong tất cả phải đi ngủ, đứa nào loay hoay không ngủ liền bị roi mây quất thẳng vào mặt. Hình phạt được áp dụng mỗi buổi tối còn nặng nề hơn, kể cả việc lột hết sáo sống, tống ra ngoài sân trong cái lạnh run cầm cập.

Góc khuất dữ dội của tuổi thơ

Khoảng trời tự do, hạnh phúc nhất của cậu bé Thanh lúc bấy giờ là mỗi lần được ba lên thăm (khoảng chừng 6 tháng ông lên 1 lần). Nuối tiếc khoảnh khắc ít ỏi đó, cậu bé Thanh đã nuôi khát vọng tự giải thoát bản thân khỏi địa ngục trần gian này và biến nó thành hiện thực.

Khi cuộc đào thoát được thực hiện, cậu bé Thanh sống lẩn khuất trong rừng, ngày đi kiếm hoa quả, đêm bẻ lá cây lót nằm. Nhiều bữa đói quá thì xuống chợ Đà Lạt tìm cách sống qua ngày. Rách rưới thảm hại, ngoài vòng xã hội, bụng đói cồn cào, lang thang qua những hàng bán trái cây, giả bợ ngơ ngáo nhìn ngó rồi chụp vài ba trái ăn cho đỡ đói. Nhưng rút cục cậu bé vẫn bị bắt lôi về trại và phải chịu đựng những trận đòn trừng phạt thê thảm.

Giám thị biết cậu là đầu trò bỏ trốn nên luôn gầm ghè chăm sóc kỹ, nhiều đêm bị bắt nhịn đói, cùm chân bên cạnh chuồng heo âm u giá lạnh. Nhưng sau vài lần bị đánh tàn bạo quá, Thanh đã vùng dậy và giám thị không còn dám giở trò trừng phạt nữa...

Thế rồi tin tức cũng lan truyền đến Sài Gòn, ông Bưởi bỏ hết công việc lật đật lên đón Thanh về. Lúc này, lần đầu tiên trong đời cậu cảm thấy thế nào là ý nghĩa của sự tự do. Lúc này trong lòng Thanh cũng tràn đầy tự tin sau này sẽ không bao giờ để người ta ăn hiếp.

Sau này, ông chủ Tân Hiệp Phát chia sẻ, chính quãng thời gian ấu thơ sống trong đọa đày đã tạo nên tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, gai góc cả trong suy nghĩ và hành động của ông.

Ông chủ Tân Hiệp Phát chia sẻ: "Thời kỳ ở cô nhi viện giúp tôi hình thành nên tính kỷ luật, vô đó không có chuyện nhõng nhẽo, giờ giấc ăn uống, học nghi lễ đều rất nghiêm. Thêm nữa, ở cô nhi viện muốn tồn tại thì phải làm tốt và phải chiến đấu. Ở đây là vừa phải làm tốt nội quy, vừa chiến đấu với bạn học. Cũng nhờ điều này giúp tôi hình thành thói quen không đổ lỗi cho ai cả, đụng vấn đề là nhìn thẳng để tìm giải pháp". 

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Qúi Thanh: Những góc khuất dữ dội và ý chí hơn người
Ông Trần Qúi Thanh theo dõi khâu sản xuất nước giải khát

Khởi nghiệp đầy thăng trầm, trắc trở

Ông Trần Quí Thanh xuất thân từ kỹ sư chế tạo máy của trường ĐH Bách Khoa nhưng ông lại lựa chọn rẽ hướng vào kinh doanh với công việc của Tổng công ty thực phẩm Trung ương. Vốn là người ham học hỏi, đam mê kinh doanh, ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm giám đốc Xưởng Cồn Gas & nước giải khát Bến Thành thuộc Tổng công ty thực phẩm miền Nam. 

Năm 1977, hai năm sau khi Sài Gòn được giải phóng, ông Thanh bắt đầu tham gia ngành công nghiệp sản xuất nấm men. Với sự cấm vận nặng nề từ Mỹ trong năm 1975 khiến các nhà sản xuất đều bị cắt nguồn cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu từ bên ngoài. Ông Thanh nhớ lại, ông đã phát hiện ra những chiếc võng nylon do quân đội Mỹ để lại có thể tận dụng như một tấm sàng để lấy men bùn.

Sáng kiến thô sơ này đã giúp doanh nghiệp non trẻ của ông mở rộng quy mô và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác. Trong khi nhiều nhà sản xuất men bị xóa sổ bởi tình trạng siêu lạm phát, doanh nghiệp nhỏ của ông Thanh chỉ đơn giản thu mua thật nhiều võng và mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, khi lạm phát lên tới 300% thì dù kiếm được 300% mỗi năm cũng chỉ được coi là hòa vốn. Giá men sụp đổ vào năm 1979 buộc ông phải rẽ sang ngành sản xuất đường. Sau hơn một thập kỷ chế biến mía đường, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn và giá thành thấp đã đè bẹp nhà máy sản xuất nhỏ trong nội thành của ông. 

Tuy nhiên không gục ngã khi thất bại, ông lại có những ý tưởng táo bạo cho việc xây dựng một thương hiệu đồ uống ở Việt Nam. 

Và những thay đổi trong chính sách kinh tế của Việt Nam như một làn gió mới “cứu vớt” Tân Hiệp Phát. Năm 1992, chính phủ cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Việt Nam, mở cửa cho các ngành thương mại quốc tế phổ biến lần đầu tiên trong 20 năm.

Trong bối cảnh đó, ông Thanh đã bắt kịp cơ hội mà cho ra đời cơ sở sản xuất bia Bến Thành - đây chính là khởi nguồn của dòng nước uống giải khát của Tập đoàn Tân Hiệp Phát sau này.

Ông Thanh một lần nữa chứng tỏ sự nhạy bén của mình khi chuyển sang sang lĩnh vực sản xuất carbon dioxide và sirô fructose. Đây là nền móng để sau này ông phát triển thêm đồ uống thể thao và nước tăng lực.

Đến năm 2009, Tân Hiệp Phát bắt đầu là cái tên nổi lên trên thị trường nước giải khát tại Việt Nam khi tung ra trà thảo dược, hiện là sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường.

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Qúi Thanh: Những góc khuất dữ dội và ý chí hơn người
Dù ở trên đỉnh cao sự nghiệp, ông chủ của tập đoàn Tân Hiệp Phát vẫn giữ thói quen dành 16 giờ mỗi ngày để đọc sách và nghiên cứu

Ở đỉnh cao thành công vẫn không ngừng nỗ lực

Dù ở trên đỉnh cao sự nghiệp, ông chủ của tập đoàn Tân Hiệp Phát vẫn không ngừng trau dồi kiến thức và đạt được tấm bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của trường Southern California University. Mỗi giờ mỗi ngày ông vẫn giữ thói quen dành 16 giờ với hàng chồng sách trên bàn để tự tìm tòi và hoàn thiện kiến thức trang bị cho bản thân.

Theo ông Thanh, yếu tố quyết định đối với nghiệp kinh doanh là sự hiểu biết về thị trường tiêu dùng trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Vậy nên những kiến thức quản trị cùng với kinh nghiệm thương trường giúp ông và Tân Hiệp Phát ghi dấu ngoạn mục khi nhãn hiệu Number 1 vượt mặt thương hiệu quốc tế Red Bull. Năm 2006, Tân Hiệp Phát tiếp tục gây tiếng vang với sản phẩm trà xanh không độ và Trà thảo mộc Dr Thanh. 

Dù khởi nguồn của Tân Hiệp Phát là sản xuất bia từ năm 1990, nhưng sau 10 năm công ty này chuyển hướng sang lĩnh vực nước giải khát. Hiện nay tập đoàn này định hướng phát triển các sản phẩm có lợi cho sức khỏe không có ga. Hiện nay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã có mặt trên thị trường Trung Quốc Châu Phi, Úc, Đài Loan, Campuchia, Singapore và Nga.


Ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương tại xưởng sản xuất nước ngọt của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. 

Việc xây dựng 8 nhà máy tại Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai và 1 nhà máy tại Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam tạo thành chuỗi sản xuất nước giải khát, thực phẩm, bao bì sẽ giúp cho Tân Hiệp Phát tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc xây dựng cảng quốc tế Dr Thanh của Tân Hiệp Phát cũng sẽ hỗ trợ mạnh trong việc xuất khẩu ra các nước châu Á trong tương lai của tập đoàn này.

Dẫu rằng trong quá khứ, Tân Hiệp Phát đã từng dính phải những bê bối nhưng thành công của ông Trần Quí Thanh cùng gia đình thương gia của mình luôn là tâm điểm trong cảm hứng khởi nghiệp.

Mặc dù có cuộc đời là niềm cảm hứng của rất nhiều người, nhưng ông Trần Quí Thanh luôn rất khiêm tốn khi chia sẻ về mình: "Những năm sống ở cô nhi viện đã khiến tôi hình thánh tính cách là không đầu hàng, không bỏ cuộc và làm gì cũng phải đàng hoàng. Có lẽ vì những điều đó mà người ta gọi tôi là "đại ca". Tôi cũng hay nói với các con là có vấn đề gì thì từ từ giải quyết, vấp ngã đứng dậy tiếp, chắc chắn sẽ tới. Ta chỉ thất bại khi nghĩ là làm không được và bỏ cuộc".

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN