Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:30
RSS

Ái nữ Tân Hiệp Phát lý giải vì sao doanh nghiệp tư nhân 'không muốn lớn'

Thứ sáu, 23/11/2018, 16:44 (GMT+7)

"Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro" – đó là chia sẻ của bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát.

Ái nữ Tân Hiệp Phát lý giải vì sao 'doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn'
Doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát

"Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn hay không thể lớn" là một trong những nội dung được nhiều ý kiến tranh luận tại buổi tọa đàm “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 22/11. Và doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ, chỉ ra được những khó khăn, hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay.

Theo Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cần làm rõ hai khía cạnh không thể lớn và không muốn lớn của doanh nghiệp tư nhân ở nước ta.

Thứ nhất, vì sao doanh nghiệp không thể lớn? Theo thống kê của thế giới các doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số doanh nghiệp hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm.

Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng, muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực. Tất cả các doanh nghiệp đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lên tới đó.

Người đứng đầu là “cái nóc”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm doanh nghiệp phát triển nếu cá nhân không phát triển.

"Tôi cho rằng có một yếu tố đang trở thành đề tài nóng bỏng là doanh nghiệp gia đình. Hiện rất ít người biết doanh nghiệp gia đình chiếm 60-70% các doanh nghiệp. Có nhiều quốc gia chiếm 90%. Riêng với Việt Nam đến giai đoạn hiện nay, đa số các doanh nghiệp tầm 20 - 30 năm thì bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những cái họ phải thay đổi.

Riêng đối với Tân Hiệp Phát, để chuẩn bị quá trình thay đổi Tân Hiệp Phát đã phải làm rất nhiều. Đó là một trong những lý do tôi viết cuốn sách, chúng tôi muốn chia sẻ, chúng tôi muốn học hỏi, để làm sao chúng tôi có thể lớn hơn nữa, làm sao chúng tôi có thể đem một thương hiệu ra thế giới. Nói thì nghe rất đơn giản nhưng để làm được thì rất khó" - doanh nhân Trần Uyên Phương nhấn mạnh.

Cũng theo "Ái nữ của tập đoàn Tân Hiệp Phát", đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường các doanh nghiệp khác đã tồn tại sẵn rồi, chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó.

Bên cạnh những yếu tố như tăng trưởng vốn đầu tư, xây dựng việc làm, còn một yếu tố nữa là phải giới thiệu với thế giới về Việt Nam thông qua những sản phẩm của Việt Nam. Đó chính là người bán hàng hiệu quả nhất.

"Đối với Tân Hiệp Phát, trong vòng 5-7 năm vừa qua, chúng tôi phải kìm hãm sự tăng trưởng. Lý do chúng tôi kìm hãm sự tăng trưởng vì chúng tôi nhìn thấy bộ máy sắp sửa đến lúc phải được tăng cường năng lực thì mới đi lên được vị trí cao hơn.

Đó cũng là một bài toán, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ phải trả lời câu hỏi: Năng lực của tổ chưc như thế nào, làm sao để đi lên?

Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng cho Tân Hiệp Phát một sơ đồ tổ chức. Muốn lên doanh thu 1 tỷ USD thì sơ đồ tổ chức phải thế nào.

Điều này đã tốn của chúng tôi một thời gian khá dài, từ 2012 đến hiện nay, để chúng tôi có thể hiểu, có thể nắm bắt, có thể vận hành làm sao có thể tăng trưởng và xây dựng con người cho phù hợp với năng lực để có thể phù hợp với sơ đồ tổ chức đó; chứ không phải cứ người trong gia đình là sẽ vào được vị trí đó. Đó là những nỗ lực, cam kết rất lớn của doanh nghiệp. Ngoại trừ việc kinh doanh phải có lời, nhưng sau khi có lời, phải làm gì? Tiếp tục đầu tư hay tiếp tục mở rộng, tiếp tục xây dựng…." - doanh nhân Phương cho biết.

Ái nữ Tân Hiệp Phát lý giải vì sao 'doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn'
Doanh nhân Trần Uyên Phương phát biểu tại tọa đàm “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”

Về khía cạnh không muốn lớn, bà Phương cho rằng, vì doanh nghiệp sợ lớn. Doanh nghiệp nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới.

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nhấn mạnh: “Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro”. 

Chia sẻ về lý do vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ USD? Bà Phương cho biết:" Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân, để đi tiếp".

Đồng tình với những nhận định của bà Trần Uyên Phương, Ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax cho rằng chính năng lực của DN nhỏ là một vấn đề.

Theo ông Dũng, yếu tố quan trọng nhất là tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn sẽ rất khó khăn so với những doah nghiệp lớn.

Về vấn đề DN không muốn lớn, theo ông Dũng, môi trường kinh doanh ổn định và phải có một định hướng rõ ràng để cho DN có thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn và  định hướng cho DN mình đi tới đích đang là một hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân.

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN