Thứ tư, 24/04/2024 | 11:16
RSS

Doanh nhân Trần Quí Thanh nói về khởi nghiệp: Đừng rơi vào cái bẫy của chính mình

Thứ ba, 03/04/2018, 15:25 (GMT+7)

Theo ông Trần Quí Thanh, phần lớn người trẻ khi start-up luôn dồi dào ý tưởng. Nhưng môi trường kinh doanh ngày càng đòi hỏi đẳng cấp cao. Và không có cái đầu hoạch định chiến lược thì thất bại là điều khó tránh.


Doanh nhân Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Mới đây, doanh nhân Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề khởi nghiệp trên trang https://tranquithanh.com. 

Vị CEO Tân Hiệp Phát cho biết, ông rất quý những người trẻ có "máu làm ăn", dám xông tới, dám thử thách. Trong đó, start – up là một thử thách gắt gao, cho nên tỷ lệ thành công không cao. Theo báo cáo Business Employment Dynamics (khảo sát năm 1994 – 2015) do Cục thống kê Hoa Kỳ cung cấp, chỉ khoảng 50% trường hợp công ty trụ vững sau 5 năm.

Cho nên, theo Doanh nhân Trần Quí Thanh, có máu làm ăn là một việc, nhưng kinh doanh không như đánh bạc, nên đừng thấy người khác khởi nghiệp mà bắt chước làm theo. Bởi "đời không phải luôn đẹp như mơ".

"Người ta hay nói đến bẫy khởi nghiệp, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chẳng ai bẫy mình cả, chỉ chính mình bẫy mình. Ai đó từng nói “chỉ cần một ý tưởng”, thế là các bạn trẻ cũng nghĩ như vậy, đưa ra ý tưởng và cho rằng thế là đủ, là sẽ đi đến thành công. Có thể nói đây là chiếc bẫy ý tưởng.

Phần lớn các bạn trẻ có dồi dào ý tưởng, mở miệng là ý tưởng, say sưa với ý tưởng. Tôi nhớ cách đây chừng 10 năm, một số doanh nhân ở Sài Gòn lập ra “Sàn ý tưởng”, thu hút các bạn trẻ đến để trình bày ý tưởng. Ôi thôi rồi, tuần nào cũng lắm ý tưởng, nghe lệch đất nghiêng trời.

Thời gian đầu nhiều người tham gia, rất thu hút, rất hấp dẫn, nhưng cuối cùng sàn ý tưởng này sập vì chẳng có ý tưởng nào được chuyển hóa thành hiện thực"- Doanh nhân Trần Quí Thanh chia sẻ.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, Doanh nhân Trần Quí Thanh khẳng định, môi trường kinh doanh càng ngày càng đòi hỏi đẳng cấp cao trong khởi nghiệp. Vậy nên, ý tưởng chỉ một phần, còn lại là thực hiện cho được ý tưởng đó. Đó là một chiến lược đầu tư kinh doanh, có lộ trình, có nguồn vốn, có từng giai đoạn phát triển khác nhau, có sự linh hoạt thay đổi trong sản xuất sản phẩm. Và không có cái đầu hoạch định chiến lược thì thất bại là điều không thể tránh khỏi.

"Đa số người hay nhóm người Start – up chỉ muốn làm việc trong phạm vi nhân sự có cùng ý tưởng. Đây là điểm mạnh, nếu như tất cả mọi người đều xuất sắc, kiểu như nhóm của Steve Jobs khi bắt đầu khởi nghiệp trong một cái ga ra. Nhưng thật không may cho nhân loại, là người như Steve Jobs cả thế kỷ may ra có một. Đa số chúng ta là người bình thường, cho nên không thể theo quy luật của những bộ óc thiên tài.

Bình thường là gì? Trong quản trị doanh nghiệp có nhiều việc, nhiều công đoạn, phải tìm người có kỹ năng và chuyên môn giỏi phù hợp với từng việc để hợp tác. Phải biết mình là ai, mạnh yếu mặt nào để tìm sự bù đắp. Có người rất giỏi thiết kế nhưng không thể giỏi bán hàng, có người giỏi bán hàng nhưng không thể là nhà quản lý xuất sắc. Cái bẫy này chính là tưởng rằng mình biết hết nên ôm việc.

Cuối cùng là phải biết tùy thời mà thay đổi. Cái ý tưởng ban đầu khi khởi nghiệp có thể phù hợp, nhưng con tạo xoay chiều, thời thế đã khác, thì phải nhanh chóng bắt kịp với cái mới. Cứ khư khư ôm cái cũ và cho đó là ý tưởng sáng tạo thì chết chắc"- Doanh nhân Trần Quí Thanh nhấn mạnh thêm.


Xem thêm Hải quan khổ vì vụ ly hôn của 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ

Như Ngọc
Theo Đời sống Plus/GĐVN