Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:57
RSS

Nỗi đau dai dẳng của những phụ nữ bị ép triệt sản từ năm 16 tuổi

Thứ sáu, 06/04/2018, 07:43 (GMT+7)

Trong quá khứ, tại Nhật, những người phụ nữ được coi là thấp kém, bệnh tật sẽ bị ép triệt sản từ năm 16 tuổi để ngăn chặn những đứa trẻ "kém cỏi" sẽ ra đời.

Nạn nhân bị ép triệt sản lên tiếng

Junko Iizuka năm đó mới 16 tuổi khi cô được đưa tới một phòng khám ở phía đông bắc Nhật Bản để tiến hành một cuộc phẫu thuật bí ẩn mà mãi về sau cô mới biết, nó đã ngăn cô không bao giờ có con.

"Tôi đã được gây mê và không nhớ gì sau đó. Khi tỉnh dậy, tôi nằm trên giường và nhìn thấy một cái bồn rửa. Tôi muốn uống nước nhưng họ nói tôi không được phép uống", Iizuka nói.

Iizuka lúc đó đang làm giúp việc trong một gia đình. Sau này, khi nghe lỏm bố mẹ nói chuyện, cô mới biết được sự thật gây sốc. Iizuka đã trở thành một trong 16.500 người phụ nữ bị triệt sản theo luật Ưu sinh của Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự ra đời của những đứa trẻ "kém cỏi".

Iizuka đã bị thắt ống dẫn trứng vào năm 1963 vì bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần. 50 năm sau, giọng nói của bà vẫn còn run rẩy khi nhắc đến những hậu quả của cuộc phẫu thuật. Bà bị đau dạ dày dai dẳng và những gánh nặng tâm lý kinh hoàng.

Nỗi đau dai dẳng của những phụ nữ bị ép triệt sản từ năm 16 tuổi
Bà Iizuka sống trong mặc cảm sau khi bị triệt sản năm 16 tuổi. Ảnh: The Guardian

"Tôi đã từng đến Tokyo để kiểm tra xem có thể mở ống dẫn trứng lại không, nhưng họ nói là không thể. Họ đã lấy đi cuộc đời của tôi như thế đấy", Iizuka nói.

Một nạn nhân khác của luật triệt sản bắt buộc, Yumi Sato, khi đó mới 15 tuổi, bị triệt sản vào năm 1972. Chị gái của Sato, cô Michiko nói rằng, việc đó đã kết thúc mọi ước mơ về hôn nhân và cuộc sống gia đình của cô.

Michiko chia sẻ với Guardian: "Em ấy từng nói đến chuyện hôn nhân khi 22, 23 tuổi. Nhưng khi em ấy nói rằng không thể có con, người bạn trai từng cầu hôn lại nói không muốn kết hôn với em ấy nữa. Thời điểm đó, việc kết hôn rồi sinh con là điều hiển nhiên, vì thế sẽ rất khó lấy chồng nếu không thể sinh con".

Mới đây, Sato đã đâm đơn kiện đòi chính phủ Nhật Bản bồi thường, cho rằng luật Ưu sinh đã vi phạm hiến pháp vì nó xâm phạm quyền theo đuổi hạnh phúc của người dân. Đây là vụ kiện đầu tiên và những nạn nhân khác của chính sách này cũng hy vọng thông qua vụ kiện, chính phủ sẽ công khai xin lỗi họ.

Hồ sơ y tế cho thấy, Sato bị triệt sản vì có nguy cơ "di truyền bệnh tâm thần". Tuy nhiên, gia đình bà phản đối và nói rằng Sato bị tổn thương não do gây mê quá mức khi phẫu thuật hở hàm ếch hồi nhỏ.

Bộ luật gây tranh cãi

Những nạn nhân trên chỉ là một phần của số lượng 16.000 người phải tiến hành triệt sản một cách ép buộc theo luật ưu sinh của Nhật Bản, một luật được duy trì đến năm 1996.

Trước đó, chính phủ Nhật từng cho biết họ sẵn sàng nói chuyện với những cá nhân cần sự giúp đỡ, nhưng không có kế hoạch hỗ trợ tất cả nạn nhân, theo AFP.

Thuyết ưu sinh (eugenics) là học thuyết ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số, phổ biến vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Nhiều chính phủ đã lạm dụng học thuyết này để ban hành các chính sách vi phạm quyền con người.

Ra đời vào năm 1948 tại Nhật, Luật Ưu sinh Quốc gia cho phép tiến hành triệt sản, bất kể có hay không có sự đồng thuận, đối với những người mắc bệnh tâm thần, thiểu năng cũng như người mắc các bệnh di truyền.

Nỗi đau dai dẳng của những phụ nữ bị ép triệt sản từ năm 16 tuổi
Nhật Bản từng thực thi chính sách ưu sinh, vi phạm quyền con người. Ảnh: Getty

Luật được cho là nhằm "ngăn chặn việc sinh ra con cháu thấp kém... bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người mẹ". Đức và Thụy Điển cũng từng có quy định tương tự, nhưng sau đó đã xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân.

Những năm 1950, chính phủ Nhật đã tập hợp và ép buộc hàng nghìn người mắc bệnh phong đến sống tại các cơ sở nằm sâu trong núi hay trên các hòn đảo xa xôi. Nhiều người bị triệt sản hoặc bị bắt phải phá thai.

Năm 2001, một tòa án ra phán quyết rằng chính sách cách ly những người mắc bệnh phong là vi hiến và lẽ ra phải bị xóa bỏ sau khi các phương thức điều trị đa dược có hiệu quả được phổ biến rộng rãi vào cuối thập niên 1950.

Thủ tướng Nhật khi đó, Junichiro Koizumi, đã gửi lời xin lỗi chính thức. Liên Hợp Quốc từng chỉ trích Nhật Bản vì không xin lỗi hoặc bồi thường cho các nạn nhân của chính sách triệt sản ép buộc. 


Xem thêm: Đắk Lắk: 'Đột nhập' hiện trường khai thác cây 'quái thú'

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN