Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:32
RSS

Đâu là câu trả lời cho bí ẩn thai phụ vẫn sinh con sau khi chết

Thứ hai, 02/04/2018, 15:20 (GMT+7)

Những trường hợp thai phụ sinh con dưới mộ sau khi chết là trường hợp bí ẩn gây tò mò cho nhiều người.

Gần đây, theo kênh truyền hình RT, vụ việc xảy ra tại nước Ý thời trung cổ. Một nhóm nhà khoa học khẳng định điều này sau khi xét nghiệm và phân tích bộ hài cốt người phụ nữ được tìm thấy tại thị trấn Imola, Bologna vào năm 2010. Người phụ nữ này được cho là sinh sống trong khoảng thời gian 600-700 trước Công nguyên.

Các nhà nghiên cứu trường Đại học Ferrara và Bologna giải thích hiện tượng "ra đời trong quan tài" xảy ra khi thai nhi bị đẩy ra ngoài trong lúc người mẹ đã chết và bị chôn. Trong quá trình tử thi phân hủy, lượng khí lớn xuất hiện, dồn vào tử cung người mẹ khiến thai nhi bị đẩy ra ngoài qua âm đạo.

sinh con sau khi chết
Sản phụ vẫn sinh con dưới mộ sau khi chết không phải hiện tượng hiếm. Ảnh minh họa

Bộ xương cốt các nhà khoa học nghiên cứu được tìm thấy cùng một thai nhi tìm thấy ở giữa hai chân của thai phụ. Dựa vào vị trí của thai nhi, các nhà nghiên cứu kết luận đây là một trường hợp "ra đời trong quan tài". Đầu và phần thân trên của thai nhi được tìm thấy ở bên ngoài vùng xương chậu của người phụ nữ, trong khi phần chân thai nhi vẫn ở bên trong.

Đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận một trường hợp “ra đời trong quan tài” đối với ngành khảo cổ học. Năm ngoái, một trường hợp tương tự cũng đã được phát hiện trong khu chôn cất Black Death gần Genoa, Italy.

Điều đáng nói là ở chỗ: việc sinh đẻ cần tới sự phối hợp co thắt, giãn mở… nhịp nhàng của các bó cơ tử cung, hình thành những cơn rặn là lực đẩy chính giúp em bé có thể chào đời.

Thai nhi chỉ thực hiện các động tác thụ động giúp cho quá trình chuyển dạ dễ dàng và thuận hơn, chứ không thể tự di chuyển ra ngoài được. Vậy thì trong điều kiện không có thêm bất kì sự can thiệp nào từ bên ngoài, làm sao mà em bé sinh ra được?

sinh con sau khi chết
Hóa ra cơ chế kì diệu đằng sau hiện tượng này là một hệ quả của quá trình phân hủy xác. Ảnh minh họa

Các bà mẹ đã tử vong đúng là không thể sinh ngay sau khi mới mất, vì toàn bộ cơ thể đã ngừng hoạt động. Hệ nội tiết ngừng bơm hormone, phổi ngừng thở không còn cung cấp dưỡng khí để chuyển hóa thành năng lượng và cơ tử cung, cũng như tất cả các bộ phận khác đã tê liệt chẳng còn vai trò gì trong quá trình "chuyển dạ" đặc biệt này.

Nhưng cơ thể chết đi, đổi lại là sự sinh sôi của vương quốc các vi khuẩn kị khí. Chúng phân hủy xác, tạo ra các loại khí như CO2, metan, amoniac, hidro sunfit… Thể tích khí ngày càng tăng lên phía trong tử thi, tạo ra áp lực đến nội tạng, trong đó có tử cung.

Lực đẩy của khí khá mạnh, tương đương như những cơn co bóp tử cung ở các ca sinh đẻ bình thường. Đó chính là lý do vì sao các em bé có thể ra đời ngay cả khi mẹ của chúng đã chết.


Xem thêm: Sự thật về sức khoẻ của Đặng Lê Nguyên Vũ sau 49 ngày thiền định

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN