Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:52
RSS

Ninh Thuận ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tắng gấp 10 lần năm trước

Thứ năm, 01/12/2022, 18:06 (GMT+7)

Ninh Thuận ghi nhận hơn 1.828 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 10,2 lần so với cùng kỳ năm trước.


Ảnh minh họa.

Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính từ đầu mùa dịch đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.828 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 10,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh từ đầu mùa mưa (từ cuối tháng 8/2022), trung bình mỗi tuần có 101 trường hợp mắc mới. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 60/65 xã, phường ghi nhận người bị mắc sốt xuất huyết. Tính đến nay, ngành y tế đã xử lý 58 ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Rất may, chưa ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nào tử vong.

Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, nguyên nhân sốt xuất huyết tăng cao là do trong những đợt mưa vừa qua, tình trạng vệ sinh môi trường tại các địa bàn, khu dân cư chưa tốt, còn nhiều ổ nước tù đọng, vật dụng phế thải có đọng nước mưa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, khó kiểm soát. Dự báo dịch sốt xuất huyết tỉnh này sẽ gia tăng, kéo dài và lan rộng, nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng.

Trước tình hình trên, ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, yêu cầu Sở Y tế tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết. Mạng lưới y tế cần tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh..., có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Trước nguy cơ dịch bùng phát kéo dài, lan rộng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. 

Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....

Đặc biệt, khi phát hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại