Chủ nhật, 08/12/2024 | 09:31
RSS

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022

Thứ năm, 01/12/2022, 10:29 (GMT+7)

Nhiều chính sách nổi bật về kinh tế, giáo dục…sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2022.


Tháng 12/2022 là tháng cuối người dân có thể sử dụng Sổ hộ khẩu giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tháng cuối sử dụng Sổ hộ khẩu giấy

Luật Cư trú năm 2020 quy định, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, cuốn sổ này sẽ chính thức bị khai tử, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hoặc lưu giữ như một vật kỷ niệm.

Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân sau khi đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú.

Khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính thì xuất trình sổ này hoặc thực hiện các giao dịch dân sự như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh...

Viên chức nhiều ngành được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

3 Thông tư 12/2022/TT-BTNMT, Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL và Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực trong tháng 12/2022, quy định về việc bỏ yêu cầu Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học với nhiều chức danh như:

Viên chức ngành tài nguyên và môi trường gồm: Địa chính viên, Điều tra viên tài nguyên môi trường, Dự báo viên khí tượng thủy văn, Kiểm soát viên khí tượng thủy văn, Quan trắc viên tài nguyên môi và Đo đạc bản đồ viên.

Viên chức chuyên ngành thể dục thể thao là Huấn luyện viên và Hướng dẫn viên. Viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ là Nghiên cứu viên, Trợ lý nghiên cứu, Kỹ sư và kỹ thuật viên.

Tháng cuối thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Được thông qua ngày ngày 06/7/2022, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 đã đưa mức thuế bảo vệ môi trường, giá đối với xăng, dầu chạm “đáy” với mức thuế sau: Xăng, trừ etanol (1.000 đồng/lít); Nhiên liệu bay (1.000 đồng/lít); Dầu diesel (500 đồng/lít); Dầu hỏa (300đồng/lít); Dầu mazut (300 đồng/lít); Dầu nhờn (300 đồng/lít); Mỡ nhờn (300đồng/kg).

Tuy nhiên, mức thuế này chỉ được áp dụng cho đến hết ngày 31/12/2022. Sang đến ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện theo biểu thuế tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, cao gấp nhiều lần hiện nay.

Sử dụng bằng nghề của người khác bị xử phạt nặng

Ngày 12/12/2022, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được đưa vào áp dụng, thay thế cho Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Nghị định mới đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (trước đó chỉ phạt từ 03 - 05 triệu đồng).

Hay như hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trước đó chỉ phạt từ 05 - 07 triệu đồng thì từ ngày 12/12/2022, mức phạt đã tăng lên thành từ 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính như:

Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp dành cho thừa phát lại

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm, trao quyền tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự. Với tính chất nghề nghiệp như vậy, thừa phát lại cũng cần phải tự ràng buộc mình bởi các quy tắc đạo đức.

Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại với chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quá trình hành nghề này.

Theo đó, thừa phát lại bị cấm thực hiện một số hành vi với người yêu cầu như:

Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.

Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền, lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22/12/2022.

3 môn học THPT bắt buộc tại trường nghề

Đây là một nội dung nổi bật được nêu tại Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 24/12/2022, quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:

Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử. Môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.

Trong đó, thời lượng giảng dạy của các môn học như sau:

Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học. Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.

Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại

Từ ngày 15/12, Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước có hiệu lực.

Trong đó, quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo một số nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo giá thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại…

Nguyễn Tuấn Khang
Theo Giáo dục & Thời đại