Thứ tư, 11/09/2024 | 23:45
RSS

Nhìn lại 6 sự kiện giáo dục đáng chú ý trong năm 2020

Thứ năm, 11/02/2021, 06:21 (GMT+7)

Ngành GD&ĐT đã trải qua một năm nhiều biến động với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đạt được những thành tựu đáng kể từ trong khó khăn.

Ảnh minh họa: Ảnh: Tiền Phong

Đổi tên thành "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" chỉ để xét tốt nghiệp

Theo Tiền Phong, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 trong hoàn cảnh học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid -19. Dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi năm nay thay đổi là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì thi THPT như trước đây. Kỳ thi năm nay chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.

Cô giáo Mường lọt vào vào top 10 xuất sắc toàn cầu

Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Sáng 11/11, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Cô Hà Ánh Phượng (SN 1991, dân tộc Mường) là giáo viên tiếng Anh của trường.

Ngôi trường nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.

Trước đó, hồi tháng 3, cô giáo 9X người Mường đã vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation công bố.

Nhiều trường đại học của Việt Nam lọt top bảng xếp hạng thế giới

Trong năm 2020, có nhiều trường đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hàng của thế giới đặc biệt năm 2020 ghi dấu ấn với việc nhiều trường lần đầu tiên lọt vào top các bảng xếp hạng.

Ngày 18/2, bảng xếp hạng uy tín của Times Higher Education (THE) đã công bố top 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi. Có 3 trường đại học của Việt Nam được xếp hạng. Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 201-250; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300; tiếp theo là ĐH Quốc gia TPHCM thuộc nhóm 401-500.

Theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE) công bố ngày 22/4, trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings).

Ngày 15/7, hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải (Academic Ranking for World Universities: ARWU) - hệ thống xếp hạng đại học khó nhất thế giới, xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 400 và 500 đại học tốt nhất thế giới theo một số nhóm ngành học thuật năm 2020.

Ngày 2/9, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả Xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings, WUR 2021). Việt Nam có 3 trường được xếp hạng cùng với 1527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Ngày 25/11, Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds - Vương quốc Anh) công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021) trong đó  Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức này đánh giá là tốt nhất trong toàn Châu Á.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh

Hơn 250 đại biểu lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, nhà giáo dục đã đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy tự chủ đại học trong Hội thảo Giáo dục 2020 diễn ra hồi tháng 11. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao về chuyên môn, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2020

Đội tuyển Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Oympic Toán quốc tế 2020, trong đó có một em học sinh mới học lớp 10. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Olympic Toán học quốc tế lần thứ 61 năm 2020 do Liên bang Nga đăng cai tổ chức theo hình thức thi trực tuyến. Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kỳ thi năm nay có 616 thí sinh đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả, có 316 thí sinh đoạt Huy chương. Với 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 17 trên 105 đội tuyển dự thi.

Thành tích của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2020 được khép lại một mùa Olympic khu vực và quốc tế thành công với 24/24 thí sinh dự thi đoạt giải (9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng, 2 Bằng khen). Kết quả này tiếp tục khẳng định vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế.

Xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018

Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong quá trình điều tra vụ gian lận thi cử, hàng chục cán bộ ngành Giáo dục và Công an bị khởi tố. Đến cuối năm 2019, tại Sơn La có 8 bị can bị truy tố, Hòa Bình có 15 bị can bị truy tố, tại Hà Giang có 5 bị cáo bị tuyên án trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia.

Sau 6 ngày xét xử và hai ngày nghị án, ngày 29/5, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã kết thúc phiên tòa, tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La.

H.H (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại