Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:48
RSS

Nhấn mí 'dạo' cô gái bị u hạt nhiễm khuẩn

Thứ tư, 28/08/2019, 07:33 (GMT+7)

Để nhấn mí được các bác sĩ phải có kinh nghiệm và hiểu về cấu trúc cơ, cấu trúc giải phẫu để đính chỉ cho phù hợp để có thể tạo ra được mí mắt đẹp.

Nhấn mí 'dạo' cô gái bị u hạt nhiễm khuẩn

Khi chủ spa cắt quá tay

Chị H.T.H (28 tuổi) Hà Nội luôn mặc cảm mắt một mí. Khi chị đi nhấn mí ở một spa về, chị thấy yên tâm vì mắt có mí rõ hơn. Tuy nhiên, một năm sau, chị thấy mắt có biểu hiện sưng đỏ, phần chỉ nhấn mí bị lộ ra ngoài khiến da nhiễm khuẩn, hình thành u hạt.

Khi vào bệnh viện khám, hai bên mí của bệnh nhân nổi nốt đỏ gây đau và khó chịu. Bác sĩ khám thấy phần chỉ nhấn mí bị lộ ra ngoài khiến da nhiễm khuẩn, từ đó hình thành u hạt ở cả hai bên mí mắt. Bệnh nhân đã được phẫu thuật u hạt, loại bỏ mủ ở khu vực nhiễm khuẩn và cắt bỏ đoạn chỉ lộ. Bác sĩ cho biết u hạt nhiễm khuẩn sau cắt mí nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị “ăn mòn” hết mí dẫn tới hoại tử khiến chị H. vô cùng hoang mang.

Số ca bị tai biến sau khi thẩm Mỹ nhấn mí mắt đang ngày càng gia tăng. Gần như ngày nào Bệnh viện Mắt Trung ương cũng tiếp nhận vài trường hợp, cá biệt có ngày điều trị gần 10 ca, chủ yếu là các bạn trẻ từ 20 đến 30 tuổi, nhập viện trong tình trạng 2 mắt sưng do viêm áp xe mi mắt, bị biến chứng thải loại chỉ thẩm mỹ hoặc bị hở chỉ khâu, đầu chỉ cọ sát vào giác mạc, gây viêm loét, thủng nhãn cầu.

Hầu hết những trường hợp này đều làm đẹp tại những cơ sở không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là nhấn mí tại những quán gội đầu, spa, làm móng...


Bác sĩ Cao Xuân Ngọc

Bác sĩ Cao Xuân Ngọc cho biết anh gặp rất nhiều người hỏi chuyên viên spa có nên học cắt mí không và tất cả đều nhận được câu trả lời là không.

Không đơn giản là luồn chỉ 

Bác sĩ Ngọc chia sẻ, cách đây không lâu có một chủ spa ở Hà Nội tự tay cắt mí cho khách. Vì không hiểu được cấu trúc giải phẫu của mí nên chị chủ spa này đã cắt quá tay và cắt luôn cơ nâng mi trên khiến cho khách hàng đó không thể nhắm mắt tạo ra tình trạng mắt nhắm mắt mở.

Nhấn mí là kỹ thuật nhìn đơn giản nhưng thực tế rất khó và chỉ bác sĩ tạo hình mới có thể làm được. 

Nhấn mí không đơn giản là luồn chỉ và khâu lại là xong mà phải tính số mũi khâu dựa trên đặc điểm của mắt, tổ chức mô mềm, độ nông sâu của mắt. Muốn làm được điều đó, phải trải qua đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm nhất định.

Nếu người điều trị không có chuyên môn, mí sau khi nhấn có thể không nhắm được do cố định vùng nếp da quá cao vào cơ nâng mi, gây mất cân đối 2 bên mí, gây viêm sụn, sưng nề. Ngoài ra, nhấn mí không đúng kỹ thuật dễ gây rúm và biến dạng mi mắt. 

Có trường hợp sau khi nhấn mí, khách hàng bị nhiễm khuẩn, có nguy cơ bị hoại tử. Một trong những biến chứng nguy hiểm khi nhấn mí là việc kim khâu ‘biến mất’ trong quá trình phẫu thuật. Do kim dẻo, di động tốt, có thể gây tổn thương nhãn cầu, lại bắt nam châm rất kém nên việc lấy ra rất khó khăn. Một biến chứng điển hình khác là mắt khách hàng bị mờ và cộm do lộ chỉ ở kết mạc mi trên, đầu chỉ cọ sát liên tục gây loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Một hiểm họa tiềm ẩn khác ít được để ý nhưng cũng vô cùng nguy hiểm là nguy cơ nhiễm trùng, lây nhiễm HIV, viêm gan B do chỉ vô trùng dụng cụ bằng việc thả vào nước đun sôi.

Khánh Ngọc
Theo Đời sống Plus/GĐVN