Thứ ba, 23/04/2024 | 02:31
RSS

Nghi lấy muỗng inox chạm vào nút bấm quạt, bé gái 2 tuổi bị điện giật tử vong

Thứ hai, 22/08/2022, 10:45 (GMT+7)

Người thân phát hiện bé gái nằm bất động trên sàn nhà nên hô hoán đưa cháu đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Mọi người nghi ngờ bé gái lấy muỗng inox chọc vào nút bấm máy quạt bị rò rỉ điện nên bị điện giật tử vong.

Sự kiện:
Phú Yên

Nghi lấy muỗng inox chạm vào nút bấm quạt, bé gái 2 tuổi bị điện giật tử vong

Chiếc quạt nghi bị rò rỉ điện khiến cháu Q. tử vong khi lấy muỗng inox chạm vào nút bấm quạt. Ảnh: Báo Lao động

Theo Báo Điện tử VOV, sáng 22/8, Công an thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đang phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân một cháu bé tử vong bất thường khi đang ở nhà.

Nạn nhân là bé gái N.T.T.Q. (SN 2020, trú thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa). Thông tin ban đầu, lúc 14h chiều 21/8, người thân của cháu Q. phát hiện cháu đang nằm bất động trên sàn nhà nên hô hoán mọi người xung quanh đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để cấp cứu nhưng không qua khỏi.       

Về việc cháu Q. nằm bất động trên sàn nhà, gia đình nghi ngờ cháu lấy muỗng inox chạm vào nút bấm quạt bị rò rỉ điện nên bị giật dẫn đến tử vong.

Nguồn tin trên Báo Lao động cho hay, theo gia đình, ba mẹ cháu Q. đi làm xa, trong lúc cháu Q. sống cùng với ông bà ngoại tại nhà thì xảy ra sự việc. Chiều tối cùng ngày, gia đình đã tổ chức mai táng cho cháu Q theo phong tục địa phương.

Tai nạn điện vẫn thường xuyên xảy ra trong mỗi gia đình, mà đối tượng thường là trẻ nhỏ. Tuỳ vào mức độ giật điện mà có thể mang lại những hậu quả khác nhau: Ở mức độ nhẹ, khi đi vào cơ thể dòng điện gây phân tích và hủy hoại tế bào máu; làm co giật tổn thương từng phần hệ thần kinh và cơ quan nội tạng... Còn ở mức độ nặng thì có thể gây tê liệt và tử vong ngay lập tức.

Vì thế trang bị kiến thức cho trẻ để phòng tránh được điện giật là việc làm cần thiết. Cụ thể, không sử dụng thiết bị điện khi tay ướt: như dùng tay ấn nồi cơm điện, bật quạt,...; không được chạm tay vào dây điện nứt, ổ điện hở,…; không sử dụng những thiết bị dễ cháy nổ, rò điện như bàn là, bếp điện, lò nướng,.. khi sử dụng cần có người lớn giúp đỡ; khi có sấm chớp cần ra hỏi bể bơi, bồn tắm và tắt hết các thiết bị điện; không đứng gần cột điện, dưới cây to hay đi chân đất dưới trời mưa.

Để đảm bảo an toàn, cha mẹ cần lắp đặt những thiết bị điện ở xa tầm với của trẻ, tránh sự tiếp xúc gần dễ xảy ra những sự cố. Cha mẹ cũng cần chủ động sử dụng những thiết bị điện thông minh, chuyên dụng có khả năng tự ngắt, hay dùng những thiết bị có nắp che phần ổ cắm cũng như để những món đồ nguy hiểm tránh xa tầm tay trẻ em. Ngoài ra, với các thiết bị điện trong nhà, cha mẹ nên sử dụng những biểu tượng cảnh báo để tạo thói quen cho trẻ nhỏ.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại