Ngày Môi trường Thế giới là ngày tập trung sự chú ý trên toàn thế giới đối với tầm quan trọng của môi trường. Đồng thời khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường của toàn thể nhân loại.
Từ những năm 1960, trước những dấu hiệu suy thoái môi trường, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Hội nghị của Liên hợp quốc tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) với sự tham gia của 113 quốc gia là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Từ năm 1972, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày 5 tháng 6 là Ngày Môi trường Thế giới
Tại hội nghị này, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày 5 tháng 6 năm 1972 là ngày Môi trường Thế giới. Đồng thời giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này.
Một trong những thành tựu tốt nhất mà chương trình này đã làm được là Nghị định thư Montreal, giúp ngăn chặn suy giảm tầng ôzôn. Nhiều cam kết đã được long trọng tuyên bố và kết quả là nhiều cơ quan quản lý môi trường và quy hoạch kinh tế của chính phủ đã được thành lập. Bên cạnh đó, các công chức địa phương, vùng và chính phủ, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng môi trường sẽ đưa ra các công bố và cam kết chăm sóc trái đất của chúng ta. Điển hình vào năm 1994, Tổng thống Fidel Ramos của Philipin đã kêu gọi người dân nước mình tạm dừng trong chốc lát vào 12 giờ trưa ngày 5 tháng 6 để “nghĩ tới việc làm sạch môi trường, nghĩ tới màu xanh, với sinh lực vốn có và niềm phấn khích, phục hồi lại nguồn năng lượng mà chúng ta vay của thiên nhiên.”
Hiện đã có hơn 100 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tham gia ngày kỷ niệm Môi trường Thế giới. Hoạt động này đã thực sự thu hút sự chú ý của giới chính trị và thúc đẩy các hoạt động chính trị nhằm làm cho các chính phủ tham gia ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế về lĩnh vực môi trường.
Mỗi năm, Liên Hiệp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới với một chủ đề đặc biệt. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và lô-gô sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu. Và trong ngày này, nhân dân trên toàn thế giới sẽ nhận được một thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong đó có nêu lên các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chung trên toàn thế giới.
Từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hiệp quốc đã phát động thêm lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng ngày môi trường thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hiệp Quốc sẽ chọn ra những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.
Theo Chương trình Môi trường của LHQ, năm nay 2020 là năm dành cho sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên, là cơ hội để kết hợp đầy đủ hơn các giải pháp dựa trên thiên nhiên vào hành động khí hậu toàn cầu.
Năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học, với việc Trung Quốc tổ chức cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước LHQ về đa dạng sinh học ở Côn Minh, tạo cơ hội để năm tiếp theo bắt đầu Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ (2021-2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.
Ngày Môi trường thế giới năm nay 2020 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Bộ TN&MT tập trung vào các hình thức truyền thông trực tuyến và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tiết kiệm, hiệu quả).