Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ có app cho vay hợp pháp. Ảnh:PLO
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Báo PLO đưa tin, đáng chú ý, dự thảo nêu rõ sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending). Thời gian thử nghiệm các giải pháp này kéo dài 1-2 năm.
Đây là loại hình dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng.
Đại diện NHNN giải thích việc xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech nhằm tạo lập môi trường thử nghiệm các dịch vụ; đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ fintech chưa được cho phép chính thức.
Nhiều ý kiến đánh giá cao chủ trương này bởi việc cho vay ngang hàng, vay qua app đang hoạt động rầm rộ nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro do thiếu hành lang pháp lý. Mặt khác, hoạt động cho vay ngang hàng nếu được quản lý tốt sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển.
Dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh ngân hàng của NHNN đưa ra rất nhiều tiêu chí. Ví dụ một app cho vay ngang hàng muốn được thử nghiệm bắt buộc không được tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính, ngân hàng...
Liên quan đến sự phát triển Fintech (công nghệ trong tài chính) tại Việt Nam, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trên PLO: Từ hơn 40 công ty Fintech vào cuối năm 2016, đến tháng 5/2019 Việt Nam có khoảng 154 công ty hoạt động trong mảng Fintech.
Các công ty này hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như thanh toán, gọi vốn cộng đồng, blockchain, quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS, cho vay, so sánh thông tin...
Ước đoán công ty Fintech hoạt động trong mảng thanh toán và ví điện tử là 37 doanh nghiệp, chiếm 24%. Kế đến là mảng cho vay (lending - cho vay ngang hàng - PV ) chiếm 16% với 25 công ty. Xếp thứ ba là mảng chuỗi khối, tiền số và chuyển tiền (Blockchain, Crypto & Remittance) với 22 công ty, chiếm 14%. Trong số các công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam.
Trước đó, cơ quan chức năng cho biết trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc một số công ty từ Indonesia và Singapore. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong một số công ty này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.
Thậm chí Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình từng cho biết qua nghiên cứu và theo dõi, hiện có khoảng 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc sau khi mô hình P2P đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam.
Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, một số công ty đã đăng ký hành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu là công ty P2P Lending, cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lĩnh vực này.