Theo ghi nhận của PV Dân Việt trên các hội nhóm Pi Network, từ sáng nay 20/2, các "Pi thủ" (những người khai thác Pi) rất háo hức trước thời điểm đồng Pi được thông báo sẽ được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch vào 15h.
Một số hội nhóm Pi ở các tỉnh thành thậm chí còn chuẩn bị buổi offline với backdrop hoành tráng. Tài khoản Trọng Hiệp đăng trên nhóm Pi Network Việt Nam: "Chờ đợi là một cái gì đó thật khủng khiếp. Nhưng không có gì để chờ đợi lại càng khủng khiếp hơn".
Hội nhóm Pi tại Việt Nam "sốt xình xịch" trước giờ Pi Network lên sàn.
Một số "Pi thủ" mong chờ giá Pi sẽ lên mức cao. Trong khi đó, trước giờ G, không ít người còn rối bời vì tạo ví nhưng quên mật khẩu, rồi quá trình giao dịch mua bán chuyển Pi gặp trục trặc.
Trong những ngày qua cho đến thời điểm này, các "Pi thủ" vẫn xôn xao mua bán. Những bài viết đăng thông tin nhận thu mua Pi giá cao liên tục xuất hiện. Ở chiều ngược lại, có người chấp nhận "xả" Pi với quan điểm "ôm Pi rủi ro nên bán sớm".
Trên nhóm Pi Network Việt Nam, một tài khoản có tên Vũ Long tự nhận người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền điện tử viết rằng anh vẫn "gom" Pi trong những ngày qua. Theo anh Long, giá Pi tăng chóng mặt từ sau khi có thông tin Pi Network lên sàn vào 15h ngày 20/2/2025, và đến thời điểm này, anh đang có trong ví tới 500.000 Pi.
Được biết, giá giao dịch "chợ đen" dành cho đồng tiền ảo này dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/Pi. Tuy nhiên giao dịch Pi lúc này không hề dễ khi ứng dụng yêu cầu người dùng KYC (định danh người dùng) trước khi tiến hành chuyển Pi vào ví và giao dịch. Quá trình này được gọi là "mainnet" và trải qua 9 bước thực hiện, để có thể tiến hành quy đổi thực tế.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để biết giá trị thực của tiền số Pi thì phải chờ thời điểm chính thức lên sàn giao dịch. Nếu được niêm yết, ngay ngày đầu tiên, giá tiền số Pi sẽ có xu hướng tăng nhanh và mạnh. Tuy nhiên, để biết chính xác đồng tiền này có sự đột phá lớn hay sẽ phải vật lộn với thị trường vẫn cần thời gian.
Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng về quản lý tiền mã hóa. Trong khi Ngân hàng Nhà nước cấm sử dụng tiền mã hóa để thanh toán, và quyền sở hữu loại tiền này vẫn không được kiểm soát, tạo ra nguy cơ cho nhà đầu tư và thách thức cho cơ quan thực thi pháp luật