Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thứ nhất, có thể nói việc nam sinh viên đại học GTVT bị thiệt mạng là một điều vô cùng đau xót đối với gia đình nạn nhân và cũng là thiệt thòi đối với nạn nhân.
Tuy rằng, việc bị trúng đạn không phải xuất phát từ hành vi cố ý dùng súng bắn vào người của trung úy công an, nhưng hành vi sử mua, sử dụng súng tự chế dẫn đến vô ý làm chết người thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí cũng như quy định của bộ luật hình sự.
Trước tiên, hành vi vô ý trong lúc “khoe súng” và tưởng là không có đạn dẫn đến bất ngờ cướp cò tước đi mạng sống của nam sinh viên, đây là hành vi có dấu hiệu của Vô ý làm chết người.
Theo quy định tại Điều 128 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, hành vi mua, sử dụng súng tự chế của “trung úy công an” nêu trên có thể sẽ bị xử lý về hành vi sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. "Điều 306 BLHS" - luật sư Tùng nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Cty Luật Minh Bạch cho Tiền Phong hay rằng, dưới góc độ xã hội hành vi ngang nhiên sử dụng súng (mặc dù là súng hơi, súng săn) nơi đông người của một cán bộ công an đáng lên án.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật hành vi tàng trữ, sử dụng súng hơi gây ra hậu quả chết người của cán bộ công an nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Như vậy, với hậu quả chết người đã xảy ra, người thực hiện hành vi tàng trữ, sử dụng súng săn (súng hơi) đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và có thể phải đối mặt với hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.
Ngoài hình phạt chính là hình phạt tù theo điểm d, khoản 2 Điều 306, thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.