Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:36
RSS

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà tránh biến chứng nguy hiểm

Thứ tư, 04/11/2020, 13:03 (GMT+7)

Sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà tránh biến chứng nguy hiểm

Cha mẹ nên để tâm kỹ càng đến vấn đề chăm sóc cho trẻ khi bị bệnh sởi (Ảnh minh hoạ)

Trẻ bị sởi cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi. Khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt. Không tự ý cho trẻ uống thuốc Đông y, nếu dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.

Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn cứng làm tổn thương đường tiêu hóa của trẻ.

Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành.

Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.

Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Trong trường hợp đã có tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Tuy nhiên, đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và ít phổ biến.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi tại nhà tránh biến chứng nguy hiểm

Hãy thực hiện việc tiêm phòng cho trẻ và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ (Ảnh minh hoạ)

Về việc phòng bệnh cho trẻ các chuyên gia y tế thường khuyến cáo sử dụng các biện pháp như sau:

Tiêm vacxin : Tiêm vacxin là biện pháp phòng tránh bệnh sởi an toàn nhất. Thông thường, Tiêm vacxin phòng sởi mũi đầu khi mà trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng. Trong trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh thì có thể dùng globulin miễn dịch thì có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh sởi.

Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh : Khi chúng ta biết trẻ mắc bệnh sởi thì hãy cách ly với các trẻ lành khác. Vệ sinh cá nhân hàng ngày cho trẻ và thường xuyên rửa tay bằng nước hay xà phòng sát khuẩn. Lau nhà và những khu vực chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường để hạn chế việc lây nhiễm.

Lưu ý: Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, ban sởi lặn hết mà vẫn sốt, có dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt... … thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.

Hoàng Ly
Theo GĐVN