Sản phụ Đỗ Thị Thanh Mai bên con gái mới sinh
Mặc dù biết mang thai khi tuổi đã cao (39 tuổi) có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng chị Đỗ Thị Thanh Mai (sinh năm 1980, tại Hưng Yên) không hề hay biết mình đã mắc hội chứng HELLP - biến chứng nặng của bệnh lý tiền sản giật.
Những lần khám thai ở cơ sở gần nhà bác sĩ đều nói các chỉ số ổn định, thai nhi phát triển tốt nên chị Mai không hề lo lắng. Khi ở tuần thai thứ 38, chị thấy có dấu hiệu phù tay chân nhưng nghĩ đó là hiện tượng bình thường nên cho qua...
Tình cờ biết tin Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Cơ sở 2 - 38 Cảm Hội tổ chức chương trình tri ân khách hàng, khám sức khỏe sinh sản miễn phí nên chị dự định đi khám thử và kết hợp làm hồ sơ sinh luôn tại Bệnh viện.
Tới thăm khám, chị Mai nhận được tin như "sét đánh ngang tai", bác sĩ nhận định thai nhi bắt đầu có dấu hiệu suy tim còn người mẹ được chẩn đoán tiền sản giật, cần cấp cứu gấp.
Vừa bước ra khỏi buồng khám, chị Mai bỗng lên cơn đau đầu dữ dội, điều dưỡng Bùi Thị Huệ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Cơ sở 2 lập tức gọi xe cấp cứu đồng thời cắm truyền magie và glucose 5% để tạm thời chặn cơn nguy kịch có thể xảy đến.
Càng lúc, cơn đau đầu càng mạnh khiến chị Mai xây xẩm mặt mày. Triệu chứng tiền sản giật đã biến chứng nặng thành HELLP (nhiễm độc thai nghén gây thiếu máu tan huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu).
Đây là biến chứng diễn ra rất nhanh, hậu quả để lại có thể là xuất huyết não, suy thận, hôn mê, thậm chí tử vong với cả sản phụ và thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trong thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc” chị Mai được chỉ định mổ lấy thai với sự quyết tâm dành lấy sự sống cho cả sản phụ và thai nhi của ekip.
Khi bác sĩ bước ra phòng mổ thông báo kết quả, tất thảy đều muốn vỡ òa bởi niềm vui giờ đây được nhân đôi, người mẹ đã qua cơn nguy kịch, em bé sinh ra nặng 2,3kg và hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau 5 ngày điều trị và theo dõi tại Bệnh viện, giờ đây chị Mai đã hồi phục sức khỏe, các chỉ số đều trở lại bình thường. Chị kể khoảnh khắc tỉnh dậy sau cuộc mổ chính là khoảnh khắc chị biết mẹ con chị vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Niềm vui của vợ chồng chị Mai bên con gái trước ngày ra viện.
"Nếu như không có ngày tình cờ đi khám miễn phí ấy, không phát hiện ra bệnh, không có sự cấp cứu kịp thời của các y bác sĩ và kíp mổ thì đã mẹ con em đã không được như ngày hôm nay. Cảm ơn tất cả các y bác sĩ đa trao cơ hội sống thứ hai cho em và con em", chị Mai xúc động chia sẻ.
Qua trường hợp của sản phụ Đỗ Thị Thanh Mai nói trên, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khuyến cáo, với các sản phụ mang thai trên 35 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp hay tiền sản giật, mắc đái tháo đường hoặc bệnh lý thận, thiếu dinh dưỡng, thừa cân trong thai kỳ đều cần theo dõi cẩn thận hơn bình thường bởi đây là các đối tượng của triệu chứng tiền sản giật.
Càng về giai đoạn cuối, bệnh lý càng dễ xảy ra với diễn biến rất nhanh, hậu quả khó lường nên sản phụ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chuyên về sản phụ khoa để được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Hội chứng HELLP là một rối loạn có khả năng đe dọa đến tính mạng có liên quan đến tiền sản giật, xảy ra ở 5-8% phụ nữ mang thai, thường gặp nhất sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tiền sản giật cũng có thể xảy ra sớm hơn trong thai kỳ hoặc hiếm khi xảy ra sau sinh. Hội chứng HELLP là một rối loạn về gan và máu có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của hội chứng HELLP rất rộng, mơ hồ và thường khó có thể chẩn đoán sớm. Tên hội chứng HELLP là từ viết tắt của ba triệu chứng bất thường được thấy khi xét nghiệm máu, bao gồm: Hemolysis: tan máu EL (elevated liver enzymes): men gan cao LP (low platelet count): số lượng tiểu cầu thấp Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng HELLP. |