Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:19
RSS

Lối sống hiện đại “đè nặng” lên tim mạch

Thứ tư, 18/12/2019, 07:41 (GMT+7)

Theo các chuyên gia y tế, các ca đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí ở cả những người trẻ mới 20-30 tuổi đang gia tăng. Nguyên nhân được cảnh báo là do lối sống lười vận động, sử dụng rượu, bia, ăn nhiều chất béo...

Đột quỵ “trẻ hóa”

Lối sống hiện đại 'đè nặng' lên tim mạch

Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. (Ảnh: Khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: LM

TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) nhận định, tại Việt Nam đột quỵ não đang gia tăng ở mọi lứa tuổi. Nếu như trước đây, đột quỵ được coi là “bệnh người già” thì ngày nay 25% số ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi, thậm chí mới 20 - 30 tuổi. Tổng số ca đột quỵ ở người trẻ tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đa số các ca đột quỵ ở người trẻ xảy ra đối với những người có tiền sử lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, béo phì, lười vận động... 

“Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3-4 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin…” - TS Tuấn nói.

Theo thống kê gánh nặng bệnh tật toàn cầu (2016), có khoảng 80,1 triệu người trên thế giới hiện mắc đột quỵ ở các lứa tuổi (chiếm khoảng 1,1% dân số), tỉ lệ nữ/nam: 1,05/1. Tại châu Âu, có 90-290/100.000 người đột quỵ mới mắc hàng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ngày một gia tăng và trẻ hóa, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết tình trạng trẻ hóa độ tuổi đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp được ghi nhận khá phổ biến tại các bệnh viện trong khoảng 5 - 10 năm gần đây. Có những người mới ngoài 20 - 30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ.

Bệnh lười vận động

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 33% ca tử vong. Còn theo điều tra quốc gia mới nhất năm 2015 - 2016 trên gần 5.500 người trưởng thành (trên 25 tuổi) tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền (do Hội Tim mạch học quốc gia nghiên cứu), 47,3% số người dân bị tăng huyết áp. Con số này cao gần gấp 2 điều tra năm 2008 (25%).

Với tỷ lệ này, ước tính ở Việt Nam có gần 20 triệu người trên 25 tuổi đang bị tăng huyết áp. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên  gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

“Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu dẫn đến xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, phình tắc động mạch chủ, huyết khối gây tắc động mạch, vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch máu não… Những căn bệnh này đều có nguy cơ tử vong rất cao. Còn nếu sống sót cũng phải chịu các di chứng nghiêm trọng, có thể liệt hoặc tàn tật” - PGS Đỗ Doãn Lợi - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết.

Còn theo PGS Quang, đa số người mắc bệnh tim mạch đều do các yếu tố nguy cơ gây ra như người có huyết áp cao, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… mà nguyên nhân chung vẫn là do ăn uống, sinh hoạt tùy tiện, hút thuốc lá, lười vận động.

Do đó, để đề phòng các bệnh lý tim mạch, tránh cho mình nguy cơ tàn phế, tử vong sớm, PGS Quang khuyến cáo người dân nên duy trì lối sống lành mạnh ăn nhiều rau, chất xơ, chăm vận động, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, không hút thuốc, không lạm dụng rượu bia, ăn nhạt... Đồng thời người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, phạt hiện bệnh sớm, kiểm soát và điều trị tốt các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch...

Lê Mai
Theo Dân Việt