Thứ năm, 25/04/2024 | 20:24
RSS

Cảnh báo khi thời tiết lạnh, căn bệnh nguy hiểm chỉ đứng sau tim mạch và ung thư đe doạ mọi người

Chủ nhật, 16/12/2018, 21:56 (GMT+7)

Tỉ lệ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh của mùa đông số người mắc ngày càng tăng.

Cảnh báo khi thời tiết lạnh, căn bệnh nguy hiểm chỉ đứng sau tim mạch và ung thư đe doạ mọi người
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tại trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, trong một tuần qua, lượng bệnh nhân nhập viện đa phần phải thở máy tăng 15 - 20% so với ngày thường. 

Theo Infonet, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% và tỷ lệ mắc hen phế quản là 4,1%.

Tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não với trên 3 triệu bệnh nhân tử vong mỗi năm. Đối tượng mắc thường ở tuổi từ 40 trở lên. Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng thường kèm theo các bệnh lý như suy kiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim... phải điều trị liên tục, tốn kém.

Theo kết quả của các thống kê, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới Trong khi đó, theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh này sẽ tăng từ 3-4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020, bệnh này sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. 

Đặc biệt, trong thời tiết lạnh của mùa đông miền Bắc, số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng. Thế nhưng việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị và còn tỉ lệ rất lớn bệnh nhân không tuân thủ điều trị dự phòng, chỉ điều trị khi có cơn kịch phát.

Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để giảm nguy cơ, người bệnh không nên hút thuốc lá và tránh hít phải khói bếp, chất độc hại trong môi trường.

Theo Zing news, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết 5 dấu hiệu nhận biết mắc bệnh là người trên 40 tuổi, ho, khạc đàm, khó thở, tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (thuốc lá, khói bếp, nghề nghiệp, môi trường)… Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có 3/5 dấu hiệu, bác sĩ có thể chẩn đoán họ đã mắc bệnh.

Nếu bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và tỷ lệ tử vong rất cao.

Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể thấy: Lồng ngực có dạng hình thùng, tần số thở tăng, bệnh nhân thở ra phải mím môi lại, co rút các cơ hô hấp ở cổ như rút lõm hố trên ức, trên đòn, các khe gian sườn bị rút lõm.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như trên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đến bệnh viện bác sỹ khám và làm thêm các thăm dò: đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Xem thêm video: Bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN