Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:32
RSS

Lời khai của người mẹ bạo hành con gái dã man tại TP.HCM

Thứ năm, 24/03/2022, 11:13 (GMT+7)

Cơ quan chức năng xác định người mẹ trong clip dùng ghế, dép... đánh con là bà Lê Trần Huyền T. (31 tuổi), cháu bé bị bạo hành tên là K. (con ruột bà T., hiện đang học lớp 6).

Sáng 24/4, theo thông tin trên báo Người lao động, UBND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã thông tin về vụ việc mẹ ruột bạo hành con gái gây bức xúc dư luận. Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông tin một cháu bé học lớp 6 bị mẹ ruột đánh đập tại nhà ở phường 5, lãnh đạo quận đã chỉ đạo thành lập tổ công tác xác minh làm rõ vụ việc.

Quá trình xác minh, tổ công tác xác định người mẹ trong clip dùng ghế, dép... đánh con là bà Lê Trần Huyền T. (31 tuổi, ngụ phường 5, quận Phú Nhuận), cháu bé bị bạo hành tên là K. (con ruột bà T., hiện đang học lớp 6). Bước đầu, công an xác định do nóng giận, không kiềm chế được bản thân nên bà T. đã dùng ghế nhựa, dép đánh con mình. Về thông tin cho rằng người mẹ bạo hành con suốt 4 năm qua, đại diện UBND quận Phú Nhuận khẳng định, chuyện này là không chính xác.

Làm việc với công an, bà T. thừa nhận do áp lực kiếm tiền, bản thân hay nổi nóng nên thường xuyên la mắng cháu K. Bà T. cho biết trước đó sống chung với 1 người đàn ông nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi sinh bé K. thì người đàn ông bỏ đi. Lúc cháu K. 1 tuổi thì bà T. đi xuất khẩu lao động nên gửi con cho bà ngoại nuôi. Đến 9 tuổi, cháu K. dọn về sống chung với mẹ và 3 người dì tại phường 5, quận Phú Nhuận.

Ngoài ra, 3 người dì sống chung với cháu K. cũng khẳng định bà T. không bạo hành cháu K. suốt nhiều năm như đồn đoán, bà T. chỉ đánh cháu khi cháu sai phạm hoặc không nghe lời và hiện tại cháu bé vẫn sống vui vẻ bình thường.

Lời khai của người mẹ bạo hành con gái dã man tại TP.HCM

Cháu K. bị mẹ ruột đánh đập dã man tại nhà riêng. Ảnh chụp màn hình

Về phía cháu K, theo thông tin trên báo Thanh niên, sau khi kiểm tra vết thương thấy vùng đầu cháu K. bị đau và trầy xước nhẹ, cơ quan chức năng đã đưa cháu K. đến Bệnh viện quận Phú Nhuận thăm khám. Kết quả, bé K. đau ít vùng đầu bên trái, đau ít vùng cổ tay và bàn tay trái; vùng thái dương lệch trái sưng nhẹ (3x3cm), không bầm tím, không vết thương hở; xước nhẹ ngoài da tự cầm máu đốt 2, ngón 3 bàn tay trái. Bác sĩ nhận định K. ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Để đảm bảo an toàn, hiện tại cháu K. đã tạm thời được cách ly với bà T., cháu K. đang được giao cho người dì ruột chăm sóc, cam kết không để người mẹ tiếp tục có hành vi bạo hành. Công an quận Phú Nhận đang lấy lời khai các bên liên quan, thu thập chứng cứ để làm rõ các hành vi sai phạm, xử lý theo quy định của pháp luật

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, ngày 23/3, trên mạng xã hội facebook lan truyền ba đoạn clip với nội dung “mẹ bạo hành dã man con gái ruột” xảy ra tại TP.HCM Cụ thể, các đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ đã vung chân đạp tới tấp vào một bé gái đang ngồi trên ghế. Thậm chí, người phụ nữ còn dùng dép, ghế nhựa đánh tới tấp vào vùng đầu bé gái.

Bé gái không có sự phản kháng mà ngồi chịu trận, trong đoạn clip còn xuất hiện một phụ nữ đứng ra can ngăn. Ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội, các đoạn clip đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng mạng, trong đó có nhiều ý kiến tỏ ra phẫn nộ và bức xúc trước hành động của người mẹ.

Chị H.T. - người đăng clip (dì ruột của bé gái bị bạo hành) chia sẻ trên VTC News, đoạn clip được ghi lại vào khoảng 22h tối 22/3 tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Bé gái bị đánh tên là V.T.K. (SN 2010). Theo chị T., người phụ nữ trong đoạn clip trên là chị gái mình và là mẹ ruột của bé K. Từ nhỏ cháu K. ở với bà ngoại, lên 8 tuổi mới về ở với mẹ. Cháu bị  mẹ ruột bạo hành, cơ thể lúc nào cũng bầm tím. Hiện tại đã “bị cho nghỉ học, có lẽ mẹ cháu sợ mặt bé tím người ta hỏi".

Về nguyên nhân bé K. bị mẹ đánh nhiều lần, chị T. cho hay, lúc ở với ngoại bé rất ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng từ khi về ở với mẹ, do thường xuyên bị đánh mắng, cũng không được quan tâm bài vở nên bé thay đổi nhiều, nhiều lần bị giáo viên phản ánh. Mỗi lần như vậy, mẹ lại đánh bé K.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại