Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:04
RSS

Loại khuẩn khiến vị chủ tịch xã tử vong khi cứu hộ mưa lũ nguy hiểm thế nào?

Thứ sáu, 13/11/2020, 13:31 (GMT+7)

Thông tin ông Phan Thanh Miên (51 tuổi, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) qua đời do nhiễm trùng nặng khi đi ứng cứu người dân trong mưa lũ khiến nhiều người thương cảm.

Ông Miên vừa nhậm chức Chủ tịch UBND xã được 3 tháng. Suốt những ngày tháng 10 lũ lịch sử, khi đi cứu hộ, cứu nạn người dân, ông Miên bị thương ở đầu gối. Ông vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ di dời người dân, dầm mưa, lội nước lũ cùng các đoàn cứu trợ đi cấp phát nhu yếu phẩm cho bà con. Sau nhiều ngày liền ngâm nước lũ, ông bị sốt, ông vào Trạm y tế xã điều trị nhưng không hiệu quả.

Nhận thấy tình trạng ông Miên chuyển biến nặng hơn, sốt cao, đầu gối sưng to, thể trạng yếu, người thân và chính quyền xã đã chuyển ông vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình). Tiếp đó ông Miên được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị khi sức khỏe ngày một xấu hơn. Bệnh nhân bị nhiễm trùng, phải thở máy, lọc máu liên tục, tử vong ngày 11/11.

Loại khuẩn khiến vị chủ tịch xã tử vong khi cứu hộ mưa lũ nguy hiểm thế nào

Ông Miên (phải) trong lúc cấp phát lương thực cho người dân vùng lũ lụt, tháng 10/2020. Ảnh: Quang Hà/VnExpress

Các bác sĩ cho hay bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn nước bạc có tên burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Melioidosis cấp tính, hay còn gọi là bệnh Whitmore, thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm.

Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị lãng quên gần 1 thế kỷ nay. Cách đây 1-2 năm, bệnh được phát hiện ngày càng nhiều với các biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh còn được đồn đoán là do vi khuẩn ăn thịt người gây nên.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho hay bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống,..

"Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong" - PGS Cường cho biết.

Vi khuẩn Whitmore gây ra bệnh truyền nhiễm nhưng lây theo đường máu, một phần qua đường không khí nhưng rất ít. Với những ai tiếp xúc với bùn đất và có vết thương trầy xước thì mới có yếu tố nguy cơ, còn người khoẻ mạnh không có vết xây xát khi tiếp xúc với bùn đất và có đồ bảo hộ lao động thì không có nguy cơ mắc bệnh.

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Whitmore là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao (40%) nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dù vậy, việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo GiadinhNet