Dự án thu phí tự động không dừng được chia thành 2 giai đoạn với tổng số 77 trạm thu phí, đến nay tiến độ các trạm này cơ bản đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành ngày 31/12.
Hiện có 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án trạm thu phí BOT bao gồm 50 trạm thu phí (riêng Cà Mau có 4 trạm thu phí chỉ thu phương tiện thô sơ và nội bộ tỉnh nên kiến nghị không triển khai ETC).
Trạm thu phí BOT Kiến Xương, Thái Bình.
Tuy nhiên, các trạm thu phí BOT do các địa phương quản lý gồm 50 trạm thu phí thì còn 7 trạm thuộc 3 tỉnh quản lý là Thái Bình, TP.HCM và Đồng Nai tiến độ triển khai rất chậm, có nguy cơ không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án trạm thu phí BOT của 15 địa phương (trừ Cà Mau) sẽ gồm 46 trạm thu phí BOT, trong đó có 6 trạm thu phí BOT đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí. Trong số 40 trạm thu phí BOT đang tổ chức thu, có 33 đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động không dừng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam các trạm địa phương có một số vướng mắc như sau: 1 trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 39B của tỉnh Thái Bình chưa triển khai thu phí tự động không dừng. Lý do được đưa ra là trạm thu phí BOT này có doanh thu thấp (dưới 10% so với phương án tài chính), thu không đủ chi phí quản lý.
Đối với 2 trạm thu phí BOT trên đường Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh lấy lý do là trạm hiện chỉ thu phí để thực hiện việc bảo trì duy tu vì vậy không ảnh hưởng bởi Quyết định 19/QĐ-TTg của Thủ tướng nên chưa triển khai.
Ngoài ra, còn có 4 trạm thu phí BOT trên Đường tỉnh 768 của tỉnh Đồng Nai chưa phê duyệt được hạng mục lắp đặt hệ thống và chưa lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng do chưa rõ thẩm quyền đơn vị thẩm định, phê duyệt hạng mục này.
Về tiến độ của các dự án có nguy cơ bị chậm, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, sau thời điểm 31/12/2020, nếu đơn vị nào không triển khai đúng tiến độ sẽ phải dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các địa phương phải chủ động thực hiện để đáp ứng đúng tiến độ.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng số 44 trạm. Đến thời điểm ngày hôm nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm. Đối với 4 trạm trên 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đã tách 4 trạm thu phí BOT này ra khỏi dự án giai đoạn 1. Hiện VEC chưa có phương án đầu tư do vướng mắc về nguồn vốn.
Dự án giai đoạn 2 gồm 33 trạm, Bộ giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó có 25 trạm đủ điều kiện hoàn thành thu phí tự động không dừng trong năm 2020. Hiện nay, Công ty cổ phần Giao thông kỹ thuật số (VDTC) đã lắp đặt được 20/21 trạm thu phí. Hiện chỉ còn 4 trạm do BOT lắp đặt chưa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty VDTC.
Còn lại 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do đặc thù do 3 trạm thu phí BOT có doanh thu quá thấp, 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm.
Trước đó, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư tại 3 trạm thu phí BOT chưa được thu phí.
Theo đó, có 3 trạm thu phí BOT chưa được thu phí đang được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Đậu - Quốc lộ 3, trạm T2-Quốc lộ 91) và 3 trạm Quốc lộ 51 nên việc triển khai ETC không hiệu quả do thời gian còn lại quá ngắn dưới 3 năm.
Cùng với đó, có cả 5 dự án đặc thù nêu trên hiện phương án tài chính ở tình trạng rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.