Theo thông tin từ TTXVN, báo cáo của Bộ giao thông Vận tải, đối với dự án giai đoạn 1 cơ bản các trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến Quốc lộ, cao tốc có lưu lượng giao thông lớn đã triển khai và vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm), bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.
Với 4 trạm còn lại của giai đoạn 1 chưa triển khai được là các trạm thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý thực hiện.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào chiều 2/12, trả lời về vấn đề hiện vẫn còn 4 tuyến thu phí đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ nay đến hết 31/12 chưa thể hoàn lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí như yêu cầu của Thủ tướng.
Như vậy là sau nhiều lần “xin hứa”, xin gia hạn của Bộ GTVT và đặc biệt là tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 25/11 bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT, trong đó có việc thu phí không dừng, tổng kết cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết yêu cầu, đến 31/12/2020 các trạm BOT chưa vận hành thu phí tự động sẽ phải dừng hoạt động.
Trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, có 8 trạm có tính chất đặc thù Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để đảm bảo hiệu quả gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 3 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Đậu-Quốc lộ 3, trạm T2-Quốc lộ 91) và 3 trạm Quốc lộ 51 nên việc triển khai ETC không hiệu quả do thời gian còn lại quá ngắn dưới 3 năm.
Chưa kể, cả 5 dự án đặc thù nêu trên hiện phương án tài chính ở tình trạng rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), sau gần 5 năm triển khai, tới nay mới chỉ có gần 1 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag) trên tổng số 3,8 triệu ô tô cả nước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Đặc biệt, mới chỉ có 400.000 trong tổng số 1 triệu phương tiện ô tô đã dán thẻ nạp tiền sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Còn theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 1 dự án thu phí tự động không dừng (BOO1), tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) mới chỉ đạt khoảng 40% trong tổng số gần 1 triệu xe ô tô đã dán thẻ.
Nguyên nhân được ông Vinh chỉ ra là do công tác truyền thông chưa hiệu quả, khách hàng chưa quan tâm, chưa thấy được lợi ích của dịch vụ thu phí tự động không dừng. Chỉ những chủ phương tiện nào bị CSGT nhắc nhở mới đi dán thẻ.