Kinh tế toàn cầu năm 2021 được đánh giá lạc quan khi “mức chống chịu với Covid-19 tăng lên”.
Căn cứ để IMF lạc quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu dựa vào chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra rất ào ạt. Thứ hai là nhiều quốc gia đã quyết định mở cửa nền kinh tế cho dù dịch bệnh vẫn đe dọa. Và thứ ba, theo IMF, đó là “hiệu quả ngấm nhanh và sâu” đến từ gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Mỹ.
Con số 5,6% là có cơ sở
Tuy nhiên, IMF cũng không quên cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách cần lượng định trước nguy cơ được tạo ra từ việc chi tiêu quá lớn cũng như lãi suất thấp.
Theo người phát ngôn IMF, Gerry Rice, thì trong 3 nguyên nhân kể trên, nguyên nhân thứ ba là gói cứu trợ khổng lồ của nước Mỹ sẽ có tác động tới hầu hết các quốc gia. Việc nền kinh tế Mỹ bật dậy từ gói cứu trợ này khiến nhu cầu trong nước cao hơn cũng như hoạt động của các doanh nghiệp sẽ mạnh mẽ lên. “Như vậy, các nước sẽ bán được nhiều hàng hóa cho Mỹ hơn”.
Tương tự, nhận định được đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) mới đây cũng cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ được thúc đẩy trong năm 2021 này.
Trong bản báo cáo dài 22 trang, UNCTAD cho rằng phục hồi kinh tế toàn cầu đã bắt đầu diễn ra từ quý 3/2020 và dự báo sẽ tiếp diễn trong cả năm 2021, cho dù vẫn còn những thay đổi khó lường do bất ổn về dịch bệnh, chính sách và hợp tác. Từ đó, UNCTAD cho rằng việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn trong năm nay từ 4,2% lên 5,6% là có cơ sở.
Tuy nhiên, UNCTAD vẫn cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những hậu quả kinh tế kéo dài, đồng thời các chính phủ cần tiếp tục duy trì gói hỗ trợ, không chỉ trông vào sự lan tỏa của gói hỗ trợ tại Mỹ. Theo UNCTAD, các gói cứu trợ kinh tế, sự phục hồi giá cả hàng tiêu dùng, cũng như việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa dịch Covid-19 sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng không đồng đều
Trở lại với dự báo của OECD, vào tháng 12 năm ngoái, chỉ đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 1,4% cho cả năm 2021. Nhưng do những diễn biến sáng sủa hơn rất nhiều ở các nền kinh tế đầu tàu, nên vào giữa tháng 2, tổ chức này đưa ra dự báo tăng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay là 4,2%. Chưa dừng lại, tới giữa tháng 3, con số đó được nâng lên 5,6%.
OECD đưa ra nhận định: “Kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây, nhờ việc từng bước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả, các thông báo về các gói hỗ trợ tài chính bổ sung ở một số quốc gia và các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang đối phó hiệu quả hơn với đại dịch”. Theo Kinh tế trưởng của OECD, Tiến sĩ Laurence Boone, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới có nguyên nhân trực tiếp là gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu năm nay kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% thì kinh tế toàn cầu cũng sẽ tăng xấp xỉ 6%.
“Dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,3% trong năm nay được đưa ra vào tháng 2 vừa qua đã lạc hậu. Con số mới sẽ lớn hơn nhiều”, TS Lorence Boone nói.
Nếu như các ý kiến chuyên gia có một điểm chung trong năm 2021 hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng trưởng rất mạnh (lần lượt là 6,5% và 7,8%), cùng đó là một số nền kinh tế Đông Á, thì với khối đồng tiền chung châu Âu (Eurrozone) các dự báo lại không lạc quan bằng. Theo OECD, đối với Eurozone, dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 3,9% trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng ở các nước EU có phần chậm chạp.
Trong một nhận định dài hơi hơn, OECD cho rằng do mức độ không đồng đều giữa các quốc gia khi triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 nên cũng sẽ dẫn tới sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế không đồng đều. “Bất chấp triển vọng toàn cầu được cải thiện, vào cuối năm 2022, sản lượng và thu nhập ở nhiều quốc gia sẽ vẫn ở dưới mức dự kiến trước thời điểm đại dịch bùng phát” - nhận định của OECD.
Từ đó, tổ chức này kêu gọi các nước giàu tăng cường hỗ trợ các nước nghèo để được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
Bất kỳ tiến độ ngắn hạn nào cũng đều phải thận trọng
Với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dự báo thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi với kết quả phụ thuộc phần lớn vào dịch bệnh và hiệu quả của các phản ứng chính sách. Được thành lập vào tháng 1/1995, WTO có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) với 164 thành viên, tham gia vào 98% thương mại thế giới và đặt ra các quy tắc thương mại giữa các quốc gia cho phần lớn thương mại thế giới, tiếng nói của WTO là rất trọng lượng. Dự báo của WTO cho rằng, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 7,2% vào năm 2021.
“Đó là sự gieo mầm hy vọng để giao thương trên phạm vi toàn cầu sẽ tuôn chảy mạnh mẽ hơn” - WTO nhận xét và cho rằng ở thời điểm này các giao dịch thương mại truyền thống đang tăng trở lại ở châu Á, mà nổi bật là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, WTO cũng đưa ra khuyến cáo rằng tuy thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng bất kỳ tiến bộ ngắn hạn nào đạt được đều phải thận trọng vì tác động của Covid-19 đối với thương mại vẫn đang diễn ra. Thực hiện nguyên tắc phân bổ công bằng vaccine ngừa Covid-19 sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi toàn cầu năm 2021 và triển vọng hợp tác đa phương sau đó.
WTO cũng cảnh báo rằng, thương mại thế giới sẽ phải chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” với những thách thức và rủi ro. Cảnh báo này được cho là “gửi thông điệp” tới các nền kinh tế lớn, mà rõ hơn là Mỹ và Trung Quốc. “Thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ chỉ lạc quan khi mà các chính sách thương mại được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán thay vì thuế quan” - cảnh báo của WTO.
Nói một cách dễ hiểu thì thương mại toàn cầu năm 2021 chỉ được bảo đảm khi có sự hợp tác quốc tế và hợp tác đa phương để cùng giải quyết các vấn đề vướng mắc.