Theo Tass ngày 10/9, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva cho biết có khoảng 180 vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 35 vắc xin đang được thử nghiệm trên người.
“Đến cuối năm 2020, chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh các thử nghiệm lâm sàng, cũng như năng lực sản xuất, cấp phép vắc xin”, ông Tedros nói, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng “các thỏa thuận phát triển vắc xin song phương và chủ nghĩa dân tộc vắc xin” có thể gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận bình đẳng các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó ông Tedros cho biết chưa có dịch bệnh nào trong lịch sử chứng kiến hoạt động nghiên cứu phát triển nhanh như vậy từ đó cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc về khoa học và công nghệ mà thế giới đã chứng kiến trong những năm gần đây. Qua đó Tổng giám đốc WHO cũng kêu gọi hỗ trợ tiếp cận vắc xin covid-19 cho nhiều người nhất có thể.
Ảnh minh họa
Cuộc chạy đua phát triển vắc xin vẫn đang diễn ra mạnh mẽ khi dịch Covid-19 cho đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới hơn 28,3 triệu người, trong khi số ca tử vong cũng vượt 913.000 người. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với ít nhất 196.200 người chết và hơn 6,5 triệu người mắc Covid-19.
Trước đó ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga chính thức phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Hiện vắc xin ngừa Covid-19 có tên gọi Sputnik V của Nga hiện là một trong những vắc xin được quan tâm nhất.
Sputnik V là vắc xin do Viện nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya ở Moscow nghiên cứu, phát triển và mới chỉ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất và thứ hai với sự tham gia của chưa đến 100 tình nguyện viên.
Cùng với đó, Phó Thị trưởng Moscow Anastasia Rakova cho biết các tình nguyện viên đầu tiên tại Moscow đã được tiêm chủng vắc xin Sputnik V hôm 10/9. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm hai mũi vắc xin cách nhau 21 ngày. Đây là một phần trong khoảng 40.000 tình nguyện viên tham gia đợt thử nghiệm lâm sàng cuối cùng vắc xin Covid-19 của Nga.