Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:43
RSS

Nhật Bản hạ mức cảnh báo dịch Covid-19 tại thủ đô Tokyo

Thứ sáu, 11/09/2020, 09:49 (GMT+7)

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi Ấn Độ có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục mỗi ngày thì Nhật Bản dịch đã "giảm nhiệt", đặc biệt tại thủ đô Tokyo.

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã hạ mức cảnh báo dịch Covid-19

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã hạ mức cảnh báo dịch Covid-19.

Theo trang thống kê worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 275.000 ca bệnh Covid-19 và gần 5.400 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở các nước từ đầu đại dịch tới nay đã lên tới trên 28,2 triệu, trong đó trên 912.000 ca tử vong.

3 quốc gia bị đại dịch Covid-19 tác động mạnh nhất lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tính tới ngày 11/9, tổng số ca bệnh ở ba quốc gia này là trên 15,3 triệu ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca toàn thế giới. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục có số ca mắc Covid-19 mới nhiều nhất thế giới với 96.760 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên trên 4,5 triệu. Tiếp đó là Brazil với trên 39.000 ca mới, nâng tổng số ca lên trên 4,2 triệu; Mỹ với trên 34.000 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên trên 6,5 triệu.

Thủ đô Tokyo đã chính thức hạ mức cảnh báo Covid-19. Chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản đã quyết định hạ một bậc trong thang cảnh báo dịch Covid-19 sau khi liên tục duy trì mức cảnh báo cao nhất trong hai tháng qua.

Ngày 10/9, giới chức Nhật Bản cho biết quyết định này phù hợp với kết luận của hội đồng chuyên gia y tế đưa ra tại cuộc họp thường kỳ phân tích, đánh giá tình hình dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Tokyo cũng có kế hoạch từ ngày 15/9 dỡ bỏ lệnh cấm các quán rượu và karaoke mở cửa sau 22 giờ. Dự kiến, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike sẽ công bố kế hoạch cụ thể trong cuộc họp báo cùng ngày. 

Các số liệu mới nhất cho thấy, trong 7 ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày tại Tokyo là 149 ca, giảm so với 183 ca ghi nhận hồi tuần trước. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.444 ca mắc.

Các chuyên gia cho rằng tốc độ lây lan dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn cần phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng quyết định duy trì cảnh báo tăng cường hơn nữa hệ thống y tế tại Tokyo, do dịch Covid-19 dự báo sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên cơ sở y tế trong thời gian tới. 

Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày. Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ ngày 10/9 cho biết nước này đã ghi nhận 96.760 ca mắc bệnh Covid-19, đưa tổng số lên trên 4,5 triệu ca, trong đó 76.304 ca tử vong. 

Với số ca nhiễm mới theo ngày trên, Ấn Độ đang tiến sát đến ngưỡng 100.000 ca nhiễm/ngày. Đến nay chưa có nước nào trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức này hay thậm chí là gần với ngưỡng này. 

Indonesia tái áp đặt giãn cách xã hội quy mô lớn. Ngày 10/9, số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy có thêm 3.861 ca, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 207.203 ca. Số ca tử vong cũng tăng 120 ca lên 8.456 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. 

Tại thủ đô Jakarta, trên 1.000 ca mắc Covid-19 ghi nhận mỗi ngày trong tháng 9. Các bác sĩ cảnh báo tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát và các phòng chăm sóc tích cực gần như hoạt động hết công suất. Theo chính quyền thành phố Jakarta, tỷ lệ kín chỗ tại các phòng cách ly ở 67 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện là 77%, trong khi con số này ở các phòng chăm sóc tích cực là 83%. Người phát ngôn của Hiệp hội Y tế Indonesia, Halik Malik đánh giá gánh nặng đặt lên đối với hệ thống y tế ở Jakarta là rất lớn. 

Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định kể từ ngày 14/9 tới tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) giống như giai đoạn đầu của dịch. Với việc tái áp đặt PSBB, người dân Jakarta sẽ trở lại hoạt động, cầu nguyện, làm việc và học tập tại nhà. 

Tất cả các địa điểm vui chơi giải trí sẽ đóng cửa trở lại và các hoạt động tụ tập đông người cũng sẽ bị cấm. Các địa điểm thờ tự chỉ được phép mở cửa ở cấp độ làng hoặc khu dân cư và chỉ những người dân địa phương mới được phép sử dụng. Đặc biệt, các địa điểm thờ tự nằm trong các vùng và khu vực “đỏ” có nhiều trường hợp mắc Covid-19 sẽ không được mở cửa. 

Một số nước ở khu vực Đông Nam Á kiểm soát dịch tương đối tốt và đang song song vừa khôi phục kinh tế lẫn dập dịch. 

Thanh Mai (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN