Thứ tư, 24/04/2024 | 11:52
RSS

Khi phụ huynh và học sinh đều “rỗng” kiến thức về tác hại của ma túy

Chủ nhật, 25/07/2021, 15:35 (GMT+7)

Những năm gần đây tình trạng ma túy học đường gia tăng đã gióng lên hồi chuông đáng báo động. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và một trong số đó là thiếu những bộ tài liệu chính thống, để trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức đầy đủ về tác hại của ma túy.

Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết, kết quả khảo sát trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của TP Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, chỉ có 4,5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi đó có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; 44% các em không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy.

Nguyên nhân khiến các em học sinh thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể phòng, tránh nguy cơ sử dụng ma túy cho bản thân cũng như những người xung quanh là vì công tác truyền thông về tác hại ma túy và phòng, chống ma túy còn nhiều hạn chế. 

Những kiến thức chính thống về ma túy chủ yếu các em được biết qua nhà trường nhưng bản thân công tác tuyên truyền, giảng dạy về tệ nạn ma túy còn ít, chưa phổ cập và chưa có sách, tài liệu chính thống. Vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nhưng lại chủ quan, thờ ơ nên nhiều em đã sa ngã vào ma túy mà không hay biết...

Viện PSD còn tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện. Kết quả, 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy. 

Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Để hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững. Bên cạnh đó, kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy, cũng chiếm tỷ lệ rất thấp.

Trong các cuộc khảo sát của Viện PSD với hơn 5.000 cha mẹ, có tới 68,7% cha mẹ không biết đến những loại ma túy trá hình nguy hiểm trong các thực phẩm đồ ăn, nước uống đã và đang xâm nhập, tấn công vào học sinh, sinh viên. Cho thấy, họ chưa có nhận biết đúng và đầy đủ về ma túy cũng như các kỹ năng để phát hiện và ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy, nghiện ma túy.

Khi phụ huynh và học sinh đều “rỗng” kiến thức về tác hại của ma túy

Ảnh minh họa

Từ thực tế trên, Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy ra đời là hết sức quan trọng và ý nghĩa. Bộ tài liệu của Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD biên soạn, xuất bản và phát hành hướng đến 02 mục đích chính.

Thứ nhất, trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ hai, hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Ngoài ra, bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy.

Ở 2 cuốn tài liệu dành cho cha mẹ học sinh và giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, ngoài các thông tin cơ bản để nhận biết về ma túy và tác hại của ma túy, mở rộng thêm hệ thống thông tin khoa học có lý giải chặt chẽ về cơ chế tác động của ma túy đối với con người; cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình thực trạng của ma túy trên thế giới và tại Việt Nam; chỉ rõ vai trò là người đồng hành, hướng dẫn của cha mẹ, của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong hỗ trợ con/em phòng, chống ma túy.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại