Thứ năm, 21/11/2024 | 18:59
RSS

Giáo viên, cán bộ quản lý cần được phổ cập bộ tài liệu phòng chống ma túy

Thứ tư, 21/07/2021, 16:42 (GMT+7)

Việc học sinh “hổng” kiến thức về ma túy và kỹ năng phòng, chống tệ nạn ma túy có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân nhưng chính những giáo viên, cán bộ quản lý cũng chưa hiểu biết đầy đủ về kỹ năng phòng, chống ma túy thì thật đáng “báo động”.

Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD khi tiến hành tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện đã cho kết quả: 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy.

Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Để hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững.

Cô Thanh Ngọc – Giáo viên tại quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Là một giáo viên, tôi thấy việc giáo dục phòng ngừa ma túy trong trường học là vô cùng cần thiết và cấp bách. Việc này không chỉ dừng lại ở một vài buổi tọa đàm, mà còn cần được đưa vào chương trình chính khóa để các em hiểu sâu và rõ về tác hại của ma túy, qua đó hướng dẫn các em những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mình.”

Giáo viên, cán bộ quản lý cần được phổ cập bộ tài liệu phòng chống ma túy

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”

Thấu hiểu được mong mỏi của các giáo viên, nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa và đẩy lùi tệ nạn ma túy, nhiều năm qua Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và biên soạn bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Sau 5 năm “thai nghén”, đến nay bộ tài liệu cơ bản đã được hoàn thiện và bảo vệ thành công  trước hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Viện PSD đã nghiên cứu và phát triển Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” với mong muốn góp phần chung tay cùng cộng đồng Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy. Viện PSD hướng đến 02 mục đích chính.

Thứ nhất, trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ hai, hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Bộ sách gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Với cấp độ tăng dần về kiến thức, thông tin, bộ tài liệu được đánh giá như một bộ công cụ, giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất để nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng giúp bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma túy.

Ngoài ra, bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy.

Giáo viên, cán bộ quản lý cần được phổ cập bộ tài liệu phòng chống ma túy

Cuốn tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục"

Riêng cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy” dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, ở phần thứ nhất của cuốn tài liệu, người đọc sẽ thấy được những kiến thức cơ bản để nhận biết được các loại ma túy nguy hiểm đang phổ biến hiện nay tại Việt Nam và tác hại, hậu quả của nghiện ma túy đối với con người.

Bên cạnh đó, nội dung phần này cũng đưa ra hoàn cảnh về sự tàn phá của ma túy đối với con người và đặc biệt là với học sinh trung học; từ đó giúp các nhà giáo dục có những hiểu biết chính xác về ma túy và nghiện ma túy nhằm định hướng giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy một cách khoa học và nhân văn.

Có thể nói cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy” dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, những người làm công tác giảng dạy kiến thức và kỹ năng sẽ không còn cảm thấy “đơn độc” khi đã được trang bị đầy đủ những gì cần thiết nhất. Những kỹ năng cơ bản sẽ được truyền thụ đến học sinh, sinh viên, giáo dục phòng ngừa ma tuý, ngăn chặn ma túy học đường, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh và thân thiện chắc chắn sẽ hiệu quả.

Bản thân mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội đều phải có trách nhiệm trong việc ngăn ngừa hiểm họa ma túy. Trong đó, nhà trường giữ vai trò là pháo đài kiên cố và vững chắc ngăn ma túy “vượt” rào xâm nhập và tấn công các em học sinh. Còn giáo viên là những người tổ chức, hướng dẫn các em tìm tòi, chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy hiệu quả.

Để giúp học sinh phòng, chống ma túy một tốt nhất, giáo viên cần phải gương mẫu chấp hành những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và quy định của chính quyền địa phương về phòng, chống ma túy. Thường xuyên trao đổi, liên lạc và cập tình hình của học sinh và gia đình để có những hỗ trợ kịp thời giúp các em học sinh phòng tránh được nguy cơ sa ngã về ma túy.

Bên cạnh đó, có ý thức tìm tòi, nghiên cứu các nội dung, phương pháp thực hiện truyền tải nội dung phòng, chống ma túy một cách hấp dẫn và hiệu quả. Tổ chức và giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các hoạt động  chính khóa một cách  mềm dẻo, linh hoạt giúp các em học sinh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để phòng, chống ma túy cho bản thân.

Ngoài ra, việc trang bị cho chính mình những kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cũng là điều giáo viên nên làm nếu muốn công tác giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh đạt hiệu quả cao. Bởi lẽ chỉ khi bản thân giáo viên hiểu và có kiến thức về nó thì mới có thể truyền đạt đến các em học sinh một cách tốt nhất.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại