Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:30
RSS

Heo sạch ế, tàn phá ngành chăn nuôi lớn hơn dịch tả heo châu Phi

Thứ ba, 26/03/2019, 14:04 (GMT+7)

Dù dịch tả heo chỉ xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc nhưng hàng loạt doanh nghiệp, trường học và người tiêu dùng phía Nam cũng ngừng hoặc giảm sử dụng thịt heo khiến giá thịt heo và tiêu thụ heo giảm mạnh, người chăn nuôi lao đao.


Tình cảnh ế ẩm tại các sạp thịt heo tại một khu chợ ở Q. Gò Vấp, TP.HCM sáng 25/3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo tính toán của một số chuyên gia, chỉ riêng với việc giảm giá, ngành chăn nuôi bị "bốc hơi" trên 100 tỉ đồng mỗi ngày, chưa kể người chăn nuôi tốn thêm chi phí để duy trì đàn heo dù đã quá lứa xuất chuồng do không tiêu thụ được. 

Trong khi đó, theo khẳng định của các cơ quan chức năng và những tổ chức chăn nuôi lớn, việc kiểm soát và ngăn chặn dịch tả heo lây lan vào phía Nam đã được tăng cường, heo xuất bán hoàn toàn được kiểm soát dịch bệnh.

Giá giảm mạnh, tiêu thụ khó

Trong vòng hơn một tuần trở lại đây, lượng heo về các chợ đầu mối tại TP.HCM giảm mạnh so với trước. Lượng bán ra của các thương lái ở đây vẫn èo uột. 

Ông Nguyễn Văn Hải, thương lái heo tại Tiền Giang, cho hay do chợ tiêu thụ chậm nên ông chỉ nhập heo về chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM) khoảng 30 con/ngày, chỉ bằng một nửa so với bình thường. Tuy nhiên, nhiều lúc thua lỗ vì giá heo tại chợ đầu mối giảm sâu.

Theo ban quản lý chợ Bình Điền, trong phiên chợ tối 25-3, lượng heo và phụ phẩm heo về chợ đạt gần 190 tấn, giảm hơn 100 tấn so với bình thường. 

Ngày 23-3, lượng heo về chợ chỉ đạt 158 tấn, thấp hơn cả ngày ăn chay khi nhiều người kiêng ăn thịt. 

Lượng heo về giảm nhưng giá bán cũng không khởi sắc, giá heo mảnh chỉ còn 50.000 đồng/kg heo thịt và heo nái 32.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với hơn một tuần trước đó và giảm 15.000-17.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất của thời điểm sau tết.

Tương tự, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn những ngày qua chỉ 3.600-3.900 con/đêm, giảm 1.000-1.200 con/đêm so với bình thường. 

Giá heo mảnh bán ra tại chợ này cũng chỉ ở mức 54.000-56.000 đồng/kg loại 1 và 48.000-49.000 đồng/kg loại 2, giảm 3.000-4.000 đồng/kg so với tuần trước đó. 

Theo đại diện các chợ đầu mối, nhu cầu thấp nên giá heo có xu hướng giảm liên tục trong nhiều tuần qua. Lượng heo về chợ giảm cũng đồng nghĩa với heo tại các trang trại chăn nuôi bán ra giảm. 

Ông Nguyễn Văn Hưng, một người chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), than thở chỉ hơn một tháng mà Giá heo hơi đã giảm gần 15.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề. 

Giá heo hơi các trại bán ra đã xuống dưới 40.000 đồng/kg. Và do sức tiêu thụ chậm, heo tồn trong dân khá lớn, nhiều trại nuôi đã có số heo lên đến 120-130kg/con mà vẫn chưa bán được.

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay người chăn nuôi hiện rất khó bán heo. 

Nhiều hộ nuôi gọi mãi thương lái mới đến nhưng cũng chỉ mua nhỏ giọt, trong khi giá giảm từng ngày. Trước đây có 100 heo thịt, thương lái bắt hai ngày là hết nhưng nay bán cả tuần vẫn chưa xong. 

Theo ông Đoán, tâm lý e ngại dịch bệnh khiến người tiêu dùng giảm hoặc ngưng ăn thịt heo, đẩy ngành chăn nuôi vào một cuộc khủng hoảng mới chỉ sau một năm hồi phục.

"Người tiêu dùng đang lo lắng thái quá bởi vì dịch tả heo đã được các nhà khoa học chứng minh không ảnh hưởng đến sức khỏe con người" - ông Đoán khẳng định.

Thiệt hại 3.000 tỉ đồng/tháng

Ngày 25-3, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô công nhân trên 100.000 lao động, tiêu thụ khoảng 5 tấn thịt heo ngày, xác nhận với Tuổi Trẻ đã tạm ngưng phục vụ thịt heo trong suất ăn cho công nhân gần một tuần nay. 

Còn ông L.H., phó giám đốc Công ty giày BH (Q.12), cho biết công đoàn công ty cũng đã quyết định tạm ngưng sử dụng thịt heo trong các khẩu phần ăn cho công nhân từ giữa tuần trước.

Trong khi đó, ông Võ Quốc Hào - tổng giám đốc Công ty CP may Bình Minh (Q.Bình Thạnh) - cho hay hiện bếp ăn công nhân vẫn sử dụng thịt heo trong khẩu phần ăn, "nhưng có ít hơn lúc trước dù chúng tôi vẫn chỉ mua của nhà cung cấp nguyên liệu có uy tín trong nước".

Một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cũng xác nhận đã yêu cầu không sử dụng thịt heo khi nấu khẩu phần ăn cho học sinh từ hai tuần nay. 

"Nhà trường cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp kiểm nghiệm thức ăn theo đúng quy trình, kèm giấy xác nhận kiểm nghiệm hằng ngày nhằm đảm bảo ở mức tốt nhất đối với các loại thực phẩm có sử dụng thịt heo làm nguyên liệu chế biến" - hiệu trưởng trường này chia sẻ.

Ông Kiều Minh Lực, phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP VN (Biên Hòa, Đồng Nai), dẫn số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết mỗi ngày VN tiêu thụ 10.000 tấn thịt heo. Việc quay lưng với thịt heo của người tiêu dùng đã làm giảm 50% số thịt heo tiêu thụ. 

Chỉ lấy mức giá giảm 10.000 đồng/kg so với trước khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại của ngành chăn nuôi lên đến 100 tỉ đồng/ngày, tức 3.000 tỉ đồng/tháng.

Trong khi đó, với trên 20.000 con heo đã tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, thiệt hại cũng chỉ khoảng 100 tỉ đồng, tương đương lượng tiền mà ngành chăn nuôi mất đi do giá giảm chỉ trong một ngày. 

"Nhưng còn thiệt hại lớn hơn chưa tính toán được, đó là lượng heo không tiêu thụ được sẽ tốn kém tiền thức ăn hơn, dễ phát sinh dịch bệnh hơn và người dân khó có điều kiện để tái đàn hơn" - ông Lực cho hay.

Thịt heo sạch nhất từ trước đến nay

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành liên quan về việc kích cầu tiêu thụ thịt heo, vận động người dân không quay lưng với thịt heo.

Với việc kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan thời gian qua, theo ông Công, thịt heo đang bán trên thị trường là sạch nhất từ trước đến nay.

Không chỉ heo có bệnh mà mọi loại heo không rõ nguồn gốc, heo ốm, thịt ôi thiu... đều được kiểm soát gắt gao tại các cửa ngõ vào thành phố.

Trần Mạnh - Trần Vũ Nghi - Nguyễn Trí
Theo Tuổi trẻ