Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:39
RSS

Về vùng dịch tả lợn châu Phi: Dân lo lắng, thịt lợn ở chợ ế ẩm

Thứ ba, 12/03/2019, 21:40 (GMT+7)

Ba ngày sau khi công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, PV Dân Việt đã có mặt tại thôn Đồn Sơn, cách thôn Đức Sơn – nơi phát hiện ổ dịch khoảng 3km. Sự lây lan nhanh và diễn biến phức tạp của dịch bệnh này đã khiến người chăn nuôi lợn vô cùng lo lắng, trong khi các tiểu thương bán thịt thì lao đao vì tiêu thụ chậm.

Tính đến ngày 12/3, trên cả nước đã có 13 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Riêng tại Quảng Ninh đã phát hiện 3 ổ dịch, trong đó 2 ổ dịch được phát hiện tại TX.Đông Triều.

Mới nhất, ngày 11/3, ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3 xuất hiện tại hộ gia đình ông Bùi Văn Đăng (thôn 2, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà). Đáng chú ý ở đây, tại ổ dịch thứ 2 và thứ 3, khi lợn ốm, chết, người dân đã tự đào hố chôn trong vườn nhà. Chỉ khi lợn tiếp tục chết, người dân mới báo cho cơ quan thú y địa phương.

Tiểu thương lao đao, chợ thưa vắng khách mua thịt

Khác với không khí “khẩn trương, quyết liệt” dập ổ dịch tả lợn tại thôn Đức Sơn ngày 9/3, tại thôn Đồn Sơn – cách nơi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi khoảng 3km, không khí im ắng như tờ.

Về vùng dịch tả lợn châu Phi: Dân lo lắng, thịt lợn ở chợ ế ẩm
Chợ thôn Đồn Sơn đã tan từ lâu, nhưng vài vài tiểu thương vẫn cố nán lại chợ. 

Từ đường quốc lộ đi vào xã Yên Đức, chốt kiểm soát gia súc – gia cầm vốn phải hoạt động 24/24 giờ theo quy định lại vắng bóng lực lượng chức năng. Không một ai làm nhiệm vụ kiểm soát, phun thuốc khử trùng xe ra vào cửa ngõ của xã. Xe tải, xe ô tô con,... từ các nơi thản nhiên đi qua chốt kiểm soát vào Yên Đức.

Hơn 10h, chợ thôn Đồn Sơn đã tàn từ lâu, vắng vẻ, lác đác vài tiểu thương đang dọn đồ và lao xao tiếng xe cộ chạy. Anh Phạm Văn Mác – tiểu thương bán thịt lợn vẫn chưa có ý định dọn hàng. Vừa thấy PV, anh đon đả mời khách mua lợn sạch.

Khi biết chúng tôi chỉ hỏi thăm tình hình buôn bán thịt lợn từ sau ngày công bố dịch, anh Mác rầu rĩ nói: “Cả chợ chỉ có con lợn mà không bán được. Dân bảo dịch tả lợn về nên người ta không ăn, người nhiều tiền thì sợ chết, người muốn ăn thì lại không có tiền". 

Về vùng dịch tả lợn châu Phi: Dân lo lắng, thịt lợn ở chợ ế ẩm
Anh Phạm Văn Mác - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ thôn Đồn Sơn ngao ngán vì cả ngày chợ không bán hết nửa con lợn. 

“Vốn dĩ cả chợ này có ba quầy bán thịt lợn, nhưng dịch thế này, ế quá nên người ta nghỉ. Hôm nay tôi chỉ bán nửa con lợn, còn lại nửa con chủ nhà lấy để ăn, nhưng ngồi đến bây giờ vẫn ế hàng. Người dân giờ cứ nhắc đến dịch bệnh là hãi rồi”, anh Mác thở dài ngao ngán.

Làm nghề buôn bán thịt lợn gần 20 năm, anh Mác chưa bao giờ lao đao vì con lợn như thế. “Dù loa truyền thanh vẫn tuyên truyền dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng người dân vẫn có tâm lí e ngại ăn thịt lợn và chuyển sang mua các loại thực phẩm khác nhiều hơn”, anh Mác thông tin. 

Người dân hoang mang

Từ chợ, PV Dân Việt tìm đến hỏi thăm những hộ chăn nuôi lợn ở khu vực thôn Đồn Sơn. Loanh quanh xung quanh thôn khoảng 30 phút, không gian bỗng vang lên tiếng loa truyền thanh tuyên truyền về dịch tả lợn. Đã là ngày 11/3, nhưng loa truyền thanh vẫn đang tuyên truyền những thông tin "cũ rích" từ mùng 6.

PV tìm đến hộ gia đình chị Phạm Thị Hương (thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, TX.Đông Triều) hiện đang nuôi 7 con lợn và chuẩn bị xuất chuồng. Tưởng PV là cán bộ của hội nông dân, chị Hương bày tỏ sự hoang mang: “Hôm trước bên thôn Đức Sơn phát hiện dịch tả lợn châu Phi, xã cũng gọi chúng tôi ra và phát vôi bột và thuốc khử trùng, về nhà là tôi phun thuốc, rắc vôi hết chuồng trại. Tôi cũng hoang mang lắm, nuôi bao nhiêu tháng mới được mấy con lợn, nhỡ nó xuất hiện dịch thì chết dở đấy. Mà không biết nó mà bị dịch thì được hỗ trợ bao nhiêu tiền một cân… lo lắm chứ. Loa truyền thanh cũng nói về thông tin dịch tả lợn đấy, nhưng chưa thấy ai đến tận nhà tư vấn cả".

Về vùng dịch tả lợn châu Phi: Dân lo lắng, thịt lợn ở chợ ế ẩm
Chị Phạm Thị Hương (thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, TX.Đông Triều) bày tỏ sự lo lắng về dịch tả lợn châu Phi đang lây lan với PV Dân Việt. 

Chị Hương vừa rắc vôi xung quanh chuồng vừa cho biết, dù xã Yên Đức tiếp giáp với 2 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi của Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhưng không hề thấy địa phương tuyên truyền về dịch bệnh. Chỉ khi bên thôn Đức Sơn phát hiện dịch tả lợn châu Phi thì xã mới bắt đầu nháo nhào tuyên truyền.

“Tôi có thấy loa truyền thanh nói là dịch bệnh không lây sang người, chỉ lây sang động vật, nhưng mà tâm lý ai cũng thế thôi. Nhà tôi nuôi lợn thì nhà tôi thịt để ăn, chứ đang dịch thế này mua thịt lợn ăn cũng sợ", chị Hương nói. 

Về vùng dịch tả lợn châu Phi: Dân lo lắng, thịt lợn ở chợ ế ẩm
Chị Hằng rắc vôi bột xung quanh chuồng trại chăn nuôi lợn. 

Trao đổi với Dân Việt, Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Chung - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết, nếu người dân “tẩy chay” thịt lợn thì sẽ gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế, các doanh nghiệp và nền chăn nuôi ở Việt Nam

“Khuyến cáo người tiêu dùng, khi chọn thực phẩm, đặc biệt với thịt gia súc gia cầm trong thời điểm có dịch hiện nay, chỉ mua thịt từ các cơ sở có sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các sản phẩm được lưu thông trên thị trường thì phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đã được kiểm soát của các cơ quan thú y, nhất là sản phẩm từ các vùng có dịch" - ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, người dân không được giết mổ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng không mua những sản phẩm ở các cơ sở mà không được phép sản xuất kinh doanh nhất là hàng bán rong, bán trôi nổi... Khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm có bệnh thì phải khai báo về địa phương nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời...

Ngoài ra, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo, người dân cần theo dõi tin tức các phương tiện truyền thông chính thức để có thêm kiến thức phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi, không nên tẩy chay thịt lợn. 

Thanh Tuyền
Theo Dân Việt