Biên đội hai chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit đã thực hiện cuộc tấn công bằng 108 quả bom dẫn đường vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Libya. Quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định đây là một thành công đáng kể trong tuyên bố ngày 20/1, theo Aviationist.
Các oanh tạc cơ này cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri, Mỹ, băng qua Đại Tây Dương để tấn công hàng loạt trại huấn luyện khủng bố ở phía tây nam thành phố Sirte, Libya.
Hai chiếc B-2 đã thả 108 quả bom dẫn đường, tiêu diệt ít nhất 85 phần tử khủng bố. Sau đó, một máy bay không người lái MQ-9 Reaper sử dụng tên lửa AGM-114 Hellfire để loại bỏ những tên khủng bố đang trốn chạy.
Máy bay B-2. Ảnh: Internet
Đợt tấn công được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn ngay trước ngày rời nhiệm sở, cho thấy các mục tiêu khủng bố có giá trị chiến lược cao. Những trại huấn luyện này được phiến quân thành lập sau chiến dịch không kích kéo dài của liên quân tại Libya.
Có thể nói rằng nhiệm vụ tấn công khu trại khủng bố ở Libya rất dễ mô tả nhưng khó thực hiện. 2 chiếc B-2, mỗi chiếc có 2 người điều khiển, sẽ cất cánh, bay tới mục tiêu, thả đủ số bom xuống để tiêu diệt khu trại, sau đó lập tức bay trở lại Missouri.
Chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn khi các nhà hoạch định kế hoạch tấn công cân nhắc mọi thứ, từ các bữa ăn của phi công tới số lượng bom máy bay có thể mang.
Bộ phận tình báo ở Bộ chỉ huy quân đội Mỹ khu vực Châu Phi (AFRICOM) đã giám sát các trại khủng bố tại Sirte trong nhiều tuần trước khi Nhà Trắng bật đèn xanh cho họ tiến hành nhiệm vụ. Tướng Thomas Waldhauser - Tư lệnh AFRICOM, chọn B-2 làm phương tiện thực hiện nhiệm vụ và đây là lựa chọn rất bất thường.
Máy bay B-2 xuất kích đi hủy diệt IS. Ảnh: Internet
B-2 được chế tạo để phục vụ các nhiệm vụ thời chiến tranh Lạnh. Nó có thể tàng hình trước radar đối phương, bay tới mục tiêu và ném các loại bom rồi bay về mà không bị phát hiện. Nhưng Libya không sở hữu vũ khí hiện đại tới mức có thể đe dọa máy bay Mỹ nên yếu tố tàng hình của B-2 bỗng trở nên thừa thãi.
Ngoài hai chiếc B-2 mang mật danh clip 11 và Clip 12, không quân Mỹ đã triển khai một máy bay B-2 khác với vai trò dự bị, mang mật danh Clip 13. Biên đội đã bay thẳng từ lục địa Mỹ tới Libya để ném bom, sau đó bay về căn cứ tại Mỹ mà không cần hạ cánh trong hành trình kéo dài 30 giờ liên tục.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho một phi đội máy bay B-2 không kích hủy diệt IS
Tổng cộng 15 máy bay tiếp liệu KC-135 và KC-10 đã tham gia nhiệm vụ hỗ trợ, cho phép các oanh tạc cơ B-2 có đủ nhiên liệu để thực hiện chuyến bay. Ngoài ra, hai tàu khu trục USS Donald Cook (DDG-75) và USS Porter (DDG-78) cũng hỗ trợ biên đội B-2.
Mỗi chiếc B-2 có thể mang rất nhiều loại bom đạn, như bom “ngu” Mk 82, Mk 84 hay bom thông minh, bom chùm CBU-87, mìn GATOR và các loại bom cỡ lớn như MOP vốn nặng tới 14.000 kg. Chiếc máy bay này cũng có khả năng bắn tên lửa hành trình AGM-158 JASSM nhờ hệ thống giá treo có khả năng xoay vòng nằm trong thân của nó.