Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:40
RSS

Hãng hàng không Nhật Bản phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thứ tư, 18/11/2020, 14:27 (GMT+7)

Hãng hàng không AirAsia chi nhánh Nhật Bản nộp đơn xin phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành hàng không tê liệt và công ty mẹ khó khăn tài chính.

Sự kiện:
Nhật Bản

Theo Bloomberg, hãng hàng không AirAsia Japan Co., chi nhánh của tập đoàn AirAsia ở Nhật Bản vừa đệ đơn xin phá sản lên Tòa án quận Tokyo, hơn một tháng sau khi tuyên bố dừng hoạt động tại quốc gia này do ảnh hưởng của đại dịch covid-19

Cụ thể, thông cáo của Tập đoàn Asia cho biết: "Với tình hình tài chính hiện tại của AirAsia Nhật Bản, chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo rằng AirAsia Nhật Bản không thể chi trả các khoản nợ chưa thanh toán. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự bất tiện gây ra cho những khách hàng đã sử dụng dịch vụ hoặc đặt vé bay với AirAsia Nhật Bản".

Cùng với đó, Tamotsu Ueno, luật sư được tòa án chỉ định bảo vệ AirAsia Nhật Bản khỏi các chủ nợ cho biết, tổng tiền nợ phải trả của hãng này lên tới 21,7 tỷ yên (208 triệu USD) do đó hãng không thể hoàn tiền khoảng 23.000 vé máy bay có trị giá 520 triệu yên.

AirAsia Nhật Bản xin phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19

AirAsia chi nhánh Nhật Bản đệ đơn phá sản. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, AirAsia Nhật Bản sẽ yêu cầu các cổ đông, bao gồm công ty thương mại điện tử Rakuten Inc. hỗ trợ để thanh toán tiền nợ. Vị luật sư nói thêm rằng khách hàng có thể nhận được ưu đãi từ các chuyến bay khác do AirAsia khai thác thay vì được hoàn lại tiền mặt.

Theo đó, AirAsia Nhật Bản cũng là hãng bay đầu tiên hoạt động tại Nhật Bản đệ đơn xin phá sản vì đại dịch. Hồi tháng 4, AirAsia Nhật Bản phải ngừng khai thác tất cả các chuyến bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tới tháng 8, hãng nối lại các chuyến bay nội địa. Nhưng lượng hành khách quá thấp khiến tất cả các dịch vụ của hãng bị đình chỉ vào tháng 10.

Không chỉ ở Nhật Bản, nhiều chi nhánh của AirAsia đang gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan trên thế giới Cụ thể , chi nhánh  tại Malaysia, đã báo cáo khoản lỗ kỷ lục 238 triệu USD trong quý thứ hai kết thúc vào ngày 30/6, so với mức lãi 4,3 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý của tập đoàn này giảm 96% xuống còn 28,9 triệu USD do lượng hành khách giảm 98%.

Từ đầu năm 2020, khoảng 43 hãng bay thương mại trên thế giới đã ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Cirium. Trong số này có nhiều hãng bay lớn như Virgin Australia, Virgin Atlantic, Cathay Dragon hay Thai Airways.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN