Thứ năm, 25/04/2024 | 09:21
RSS

Giận bố không mua điện thoại, bé trai 13 tuổi uống thuốc sâu tự tử

Chủ nhật, 19/07/2020, 07:32 (GMT+7)

Không được bố mua cho điện thoại khi vừa kết thúc năm học, được lên lớp như lời cha đã hứa và bị cha mẹ mắng, bé trai đã uống thuốc sâu tự tử.

Giận bố không mua điện thoại mới, bé trai 13 tuổi uống thuốc sâu tự tử

Cháu K. đang được điều trị và theo dõi tại bệnh viện sau khi uống thuốc sâu tự tử. Ảnh VTV News

Mới đây, theo nguồn tin trên VTV News, bệnh nhi T.T.K. (13 tuổi, trú tại Hậu Giang) đã phải nhập viện khẩn cấp do uống thuốc sâu tự tử. Nguyên nhân được cho là vì mâu thuẫn với cha mẹ. Khi nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, mê, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ khoảng 1mm. 

Khai thác bệnh sử được biết, cháu K. buồn chuyện gia đình, giận cha không mua cho smartphone khi vừa kết thúc năm học, được lên lớp như lời cha đã hứa và bị cha mẹ mắng. Vì bất mãn, cháu K. đã uống thuốc trừ sâu Pertrang 55.5 EC (Cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl) không rõ liều lượng. Theo lời cháu K. nói khi còn tỉnh, cháu đã uống khoảng 200cc.

Tại bệnh viện, các bác sĩ cấp cứu nghi ngờ bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ, nên xử trí cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị.

Đồng thời, xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu còn giảm nặng còn 140 đv/L (bình thường từ 5.000 - 11.000 đv/L) giúp khẳng định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ.

Bên cạnh đó, bệnh nhi được tiếp tục điều trị atropine và truyền tĩnh mạch pralidoxime. Pralidoxime là loại thuốc tăng cường phục hồi men acetyl cholinesterase - men này bị giảm do bị bất hoạt bới thuốc trừ sâu phospho hữu cơ đưa đến tình trạng ngộ độc).

Đến nay, sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi đã được cải thiện. Bệnh nhi được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan cải thiện, định lượng men ACE hồi phục khả quan. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp khẩn cấp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ khuynh nên quan tâm đến con nhiều hơn, thường xuyên lắng nghe con chia sẻ để giải quyết những khúc mắc trong lòng con tránh xảy ra những sự việc không mong muốn. Đặc biệt, đối với các bé độ tuổi vị thành niên, tâm trạng các bé có nhiều thay đổi, bởi vậy cha mẹ cần chú ý qua sát và nhận ra những bất thường của con để có phương án xử lý kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN