Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:42
RSS

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Người đau đáu tâm huyết với công tác phòng chống lao

Thứ sáu, 17/07/2020, 15:29 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương - người luôn trăn trở với công tác phòng, chống lao tại Việt Nam, được đồng nghiệp đặt cho biệt danh là 'ông chống Lao' cũng bởi tâm huyết với căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, người đau đáu tâm huyết với công tác phòng chống lao

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương​

Người thầy thuốc nguyện gắn bó cả cuộc đời với công tác phòng chống lao

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 11 triệu người mắc lao, trong đó số người tử vong vì bệnh lao lên tới 1,7 triệu người. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, năm 2018 có khoảng 174.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý. 

Không dễ để gặp được PGS.TS Nguyễn Viết Nhung bởi ngoài công tác quản lý, điều hành tại bệnh viện Phổi Trung ương với vai trò giám đốc, bởi cứ có thời gian là ông lại vùi đầu vào nghiên cứu để tìm ra phác đồ có thể rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh. 

Rất khiêm tốn khi nói về bản thân nhưng với những nỗ lực lớn trong công tác phòng chống lao, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung được đồng nghiệp gọi là “ông chống Lao”.

Theo Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, so với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số hiện mắc và mắc mới cũng như số tử vong vì bệnh lao. Hiện số người mắc bệnh Lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong vì bệnh lao giảm nhanh hơn số mắc do chúng ta tăng được tỷ lệ phát hiện. Bệnh lao hiện nay vẫn được cho là bệnh của người nghèo, khi thống kê gần đây cho thấy trong hơn 100.000 người mắc lao, có đến hơn 70% là người nghèo. Thời gian điều trị càng lâu thì họ lại càng gặp nhiều khó khăn trước khi có thể chữa khỏi. 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam đã đặt được những bước tiến lớn trong công tác phòng chống lao. Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ chuyên môn thì Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII đề ra mục tiêu cơ bản chấm bệnh lao vào năm 2030. Theo ông đây là một mục tiêu rất nhân văn thể hiện quyết tâm của toàn Đảng để tránh đi cái chết không đáng có của hàng chục ngàn người và giảm nỗi lo âu của hàng trăm ngàn gia đình mỗi năm. Bác sỹ Nhung đánh giá đây là mục tiêu rất tham vọng nhưng chúng ta cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thành.

Cơ duyên với nghề y và sự nỗ lực không ngừng của vị bác sỹ tràn đầy năng lượng

Theo lời PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, cơ duyên đưa ông đến nghề y và xa hơn là cuộc cuộc chống lao bắt đầu từ việc ngay từ khi còn nhỏ đã chứng kiến những khó khăn của bố của ông khi thường xuyên thức trắng đêm chữa bệnh cho người dân, nhất là cứu được người bệnh nhân nặng. 

Từ đó niềm say mê với nghề y đã thấm nhuần, bồi đắp ước mơ trở thành bác sỹ của ông, tiếp nối truyền thống đã lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Kể từ khi bước chân vào cổng trường Đại học Y Hà Nội, cho đến khi ra trường, lúc về công tác với vị trí bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ông luôn đau đáu với công tác phòng, chống lao. Với 36 năm gắn bó với công tác chống bệnh lao ở Việt Nam, không quá khi nói rằng, ông đã dành cả cuộc đời mình cho khát vọng xóa xổ căn bệnh nguy hiểm này.

Bằng tâm huyết, sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nghiên cứu và điều trị bệnh lao, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đã dẫn dắt chuyên ngành lao gặt hái được những thành công ngay trong nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên. Đồng thời, khẳng định được sự lớn mạnh và phát triển không ngừng để chuyên ngành lao Việt Nam có tên trên bản đồ y học thế giới. 

Trong mắt nhiều đồng nghiệp PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung là hình mẫu tiêu biểu, truyền cảm hứng cho chuyên ngành lao trên cả nước. Chưa bao giờ ngừng nghiên cứu về bệnh lao, ông đã từng bước chinh phục những kỹ thuật đỉnh cao của thế giới, áp dụng vào nhu cầu khám, điều trị của bệnh nhân.

Được biết PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung là người đầu tiên tham gia vào Hội đồng tư vấn chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO. Ông có nhiều hợp tác phát triển kỹ thuật, nghiên cứu với các nước như Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản Pháp, Anh… Với nguồn năng lượng làm việc dồi dào, sự trăn trở lớn với căn bệnh lao, vị bác sỹ đáng kính này là người chèo lái, truyền lửa nhiệt huyết đến các bộ bác sỹ tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Tại bệnh viện, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung được ví như vị “thuyền trưởng”, người lãnh đạo đáng kính nhưng gần gũi. Ông vẫn thường nhắc nhở các các đồng nghiệp, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân để thấu hiểu, cảm thông và phục vụ tốt nhất. 

Trong suốt buổi nói chuyện, người viết cảm nhận rất rõ sự trăn trở, trọng trách mà PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung đặt ra cho bản thân trong công cuộc chống lao ông, nơi ông tự nguyện gắn bó. Ông chưa bao giờ thôi đi tìm giải pháp, công nghệ mới để đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam.

Linh Hương (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN