Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:32
RSS

Chiếc hoa tai 'đi lạc' vào trong thực quản của bé gái nhiều ngày liền

Thứ bảy, 18/07/2020, 11:19 (GMT+7)

Chiếc hoa tai có 1 đầu như chiếc kim găm vào thành thực quản khiến bé gái 10 tháng tuổi khò khè, thở mệt, bú kém và phải nhập viện điều trị khẩn cấp.

Chiếc hoa tai đi lạc vào trong thực quản của bé gái nhiều ngày liền

Chiếc hoa tai được lấy ra từ thực quản của bé gái. Ảnh: VTV News

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đã tiếp nhận và lấy thành công dị vật là một chiếc hoa tai có đầu nhọn ra khỏi thực quản của một bé gái 10 tháng tuổi, trú tại Trà Vinh. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho đờm, thở mệt, bú ít, khò khè.

Theo người nhà bệnh nhi, trước khi nhập viện 3 tuần, bé khò khè khi bú và khi ngủ, tự mua thuốc uống. Sau đó 1 tuần, bé thở mệt hơn không sốt, bú kém, khò khè được điều trị tại bệnh viện địa phương. Trước đó, tại bệnh viện địa phương, bé đã từng được chuẩn đoán suyễn 2 lần và điều trị có kết quả tốt nên lần này các bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị suyễn. 

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, các triệu chứng của bệnh nhi vẫn không thuyên giảm. Chụp X-quang cho hình ảnh nghi ngờ có dị vật cản quang vùng thực quản, sau đó bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành gây mê soi cấp cứu, gắp được chiếc hoa tai cách miệng thực quản khoảng 12 cm. Hoa tai có 1 đầu như chiếc kim găm vào thành thực quản nên rất khó di chuyển. 

Khi lấy hoa tai ra, thực quản bệnh nhi bị trầy xước, chảy máu lượng ít và được cầm máu tại chỗ bằng bông gòn. Sau khi lấy dị vật ra khoảng 3 giờ, bệnh nhi đã tỉnh táo, được nuôi ăn qua ống sonde dạ dày, không nôn ói, không sốt, không đau,

Việc hóc các loại dị vật như vật dụng, đồ chơi, đồng xu, pin, hoa tai... ở trẻ nhỏ là điều thường xuyên xảy ra. Những dị vật này nếu không được phát hiên kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như không ăn uống được, áp xe thành sau họng, áp xe cổ, áp xe - thủng thực quản, tổn thương mạch máu, thậm chí là tử vong.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ cần hết sức lưu ý vấn đề này, không được cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn, vật nhỏ vì trẻ em vốn có tính hiếu động và tò mò, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN