Tháng 2/2020, theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 4.037 trường hợp, trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất, tái cơ cấu ở hơn 80 doanh nghiệp.
Đồng thời, Trung tâm này cũng cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020 đã tiếp nhận 6.945 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2019.
Giải thích về sự gia tăng chóng mặt số lượng người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm nay, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm cho rằng chưa hẳn là do ảnh hưởng của dịch covid-19
Từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến nay, số người tham gia tăng đều hằng năm, nên số người thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng tương ứng.
Nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định hiện hành, trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ Luật việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP, quy định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định).
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn; quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Sổ bảo hiểm xã hội; 2 ảnh 3 x 4; thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú photto nếu nộp hồ sơ hưởng tại nơi cư trú và kèm theo bản gốc để đối chiếu
Cũng theo Nghị định này, sau 3 tháng, người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.