Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:27
RSS

Dùng máy tính lập biên bản hỏi cung tiềm ẩn những rủi ro gì?

Thứ hai, 04/03/2019, 07:32 (GMT+7)

Hỏi cung bị can là một trong các hoạt động điều tra hình sự và là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm sát viên đã được quy định. Tuy nhiên, việc lập biên bản hỏi cung bị can bằng máy tính hay viết tay đang là điều được quan tâm.

Lập biên bản bằng máy là chưa đúng quy định

Theo bà Hoàng Thị Xuân – Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, qua thực tiễn, bà nhận thấy việc biên bản hỏi cung bị can được lập bằng hình thức đánh máy vi tính có ưu điểm là hình thức rõ ràng, dễ nhìn và có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên ngoài những ưu điểm đó thì việc đánh máy biên bản hỏi cung bị can có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề, rủi ro.

Đầu tiên, theo vị cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, việc lập biên bản hỏi cung bị can bằng máy tính chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự về việc lập biên bản nói chung, lập biên bản hỏi cung bị can nói riêng.

Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ…

Theo bà Xuân, Điều 184 BLTTHS quy định về Biên bản hỏi cung bị can: Mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản.

Dùng máy tính lập biên bản hỏi cung tiềm ẩn những rủi ro gì?
Theo vị cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân Sơn La, việc lập biên bản hỏi cung bị can bằng máy vi tính là chưa đúng quy định. (Ảnh minh hoạ)

Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này; phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

Sau khi hỏi cung, điều tra viên, cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì điều tra viên, cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì điều tra viên, cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó...

“Như vậy, các điều luật nêu trên đều quy định “ghi” biên bản hỏi cung bị can. Theo Đại từ điển tiếng Việt, “ghi” được hiểu là: Dùng chữ viết hoặc dấu hiệu để lưu giữ một nội dung nào đó, khi nhìn lại có thể biết hoặc nhớ lại nội dung ấy” – vị cán bộ Viện kiểm sát Sơn La nhận định.

Quy định “ghi” có mối quan hệ chặt chẽ với phần giả định: “Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản”, và “trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản ...” và phần quy định về “ký xác nhận” trong các điều luật.

Bởi lẽ, chỉ có ghi trên giấy thì mới để lại rõ những điểm sửa chữa, thêm bớt, tẩy xóa do đó mới cần phải ký xác nhận, dùng máy vi tính soạn thảo các phần đã được sửa chữa, thêm bớt có thể không để lại trên văn bản do đó không cần phải ký xác nhận.

“Từ sự phân tích đó, tôi cho rằng Điều 133; Điều 184 BLTTHS đã quy định khi lập biên bản nói chung, lập biên bản hỏi cung bị can nói riêng bắt buộc phải viết tay, việc dùng máy vi tính lập biên bản hỏi cung là chưa thực hiện đúng quy định này” – bà Xuân nêu quan điểm.

Vi phạm chế độ bảo mật của ngành Kiểm sát

Biên bản hỏi cung bị can là một trong những tài liệu quan trọng nằm trong hệ thống tài liệu có chế độ ưu tiên bảo mật. Đa số các bị can đều bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam và bị giam tại cơ sở giam giữ.

Trường hợp Kiểm sát viên sử dụng máy vi tính để lập biên bản hỏi cung bị can thì phải có máy in để in biên bản thì mới thực hiện được việc thông qua và ký xác nhận vào biên bản ngay sau khi kết thúc việc hỏi cung. Trên thực tiễn máy in khá cồng kềnh nên kiểm sát viên không mang theo mà sử dụng máy in của người khác.

Theo vị cán bộ kiểm sát Sơn La, có thể xảy ra các trường hợp sau: Máy vi tính không tương thích với máy in, do đó kiểm sát viên phải sử dụng máy vi tính của người khác; kiểm sát viên không mang theo USB hoặc USB không đảm bảo chất lượng nên phải sử dụng USB của người khác.

Dùng máy tính lập biên bản hỏi cung tiềm ẩn những rủi ro gì?
Ngoài việc vi phạm chế độ bảo mật, việc lập biên bản hỏi cung bằng máy vi tính cũng khiến quá trình quản lý bị can của kiểm sát viên trở nên khó khăn. (Ảnh minh hoạ)

Trong cả hai trường hợp nêu trên nếu sau khi in ấn kiểm sát viên không thực hiện thao tác xóa biên bản trên máy vi tính hoặc trên USB, thì biên bản hỏi cung vẫn tồn tại trên máy tính và USB của người khác như vậy biên bản hỏi cung không còn ở trong chế độ được bảo mật.

Bên cạnh đó, biên bản soạn thảo trên máy vi tính có thể không phản ánh đúng và đầy đủ diễn biến hoạt động hỏi cung bị can. Máy vi tính có các chức năng xóa, sao chép và việc bổ sung rất đơn giản.

Nhìn vào biên bản chúng ta không thấy nội dung “gốc” vì phần bị xóa không còn và phần mới bổ sung không khác biệt so với các phần còn lại.

Như vậy, sự thay đổi về “lượng” (ít hơn hoặc nhiều hơn) có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi về “chất”, biên bản không được giữ nguyên tình trạng ban đầu, có thể nói biên bản này không có tính khách quan, toàn diện, lịch sử và cụ thể.

“Từ sự phân tích đó, tôi thấy rằng hình thức viết tay biên bản hỏi cung bị can có tính ưu việt hơn so với biên bản soạn thảo trên máy vi tính.

Khi nhìn biên bản với nội dung “gốc” chúng ta sẽ nhìn nhận và đánh giá toàn diện về cả quá trình hỏi cung bị can, một câu trả lời bị xóa, bị thay đổi hoặc được bổ sung của bị can có thể sẽ gợi cho chúng ta một hướng nghiên cứu mới tránh sự xuôi chiều, mặt khác có thể phản ánh rõ về trạng thái tâm lý, thái độ của bị can để chúng ta có biện pháp phù hợp cho hoạt động tiếp theo” – bà Xuân nói.

Cuối cùng, một nguy cơ khác đối với việc lập biên bản hỏi cung bị can của Kiểm sát viên bằng máy vi tính đó là không thuận tiện, khó quản lý bị can. Các hoạt động in ấn, xác nhận sau đó có thể kéo dài, khiến việc quản lý bị can thêm khó khăn.

Bách Thuận
Theo Dân Việt