Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:29
RSS

Điều chuyển bến xe khách ở Hà Nội: Hành khách kêu trời vì chi phí tăng gấp đôi

Thứ hai, 02/01/2017, 15:37 (GMT+7)

Trong ngày đầu thực hiện điều chuyển bến xe, hành khách vẫn còn lúng túng vì chưa quen. Về chi phí, cả doanh nghiệp vận tải và hành khách đều cho rằng việc này sẽ khiến hành khách phải gánh gấp đôi.

Ngày 2/1/2017, việc điều chuyển xe khách giữa các bến nhằm giảm việc ùn tắc cho đường nội đô Hà Nội chính thức có hiệu lực.

Ngày đầu điều chuyển: Nơi ổn thỏa, chỗ lộn xộn

Theo quyết định điều chuyển xe khách giữa các bến của Sở GTVT Hà Nội chính thức có hiệu lực từ ngày 2/1/2017 nhằm giảm tải lượng xe đi xuyên tâm nội đô, giải quyết một phần vấn đề ún ứ giao thông kéo dài. Sáng 2/1/2017, PV Đời Sống Plus đã có buổi thực địa tại bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.

Dieu-chuyen-ben-xe-1
Việc điều chuyển xe khách khiến doanh nghiệp vận tải và hành khách gặp nhiều khó khăn. Ảnh Trí Kiên

Theo ghi nhận, tại bến xe Giáp Bát, lượng hành khách trong ngày đầu thực hiện điều chuyển tương đối ổn định, không có dấu hiệu xảy ra tình trạng xô đẩy nhau.

Dieu-chuyen-ben-xe-2

Tại Bến xe Giáp Bát ngày 2/1-2017, hành khách di chuyển bình thường không có nhiều xáo trộn. Ảnh Trí Kiên

Ông Vương Duy Toàn, Phó GĐ bến xe Giáp Bát cho biết: "Việc điều chuyển các nhà xe từ Giáp Bát đi Yên Nghĩa đã hoàn thành ngay trong ngày 1/1/2017 để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trước khi  có quyết định điều chuyển 1 tuần, Ban quản lý bến đã có buổi họp với các nhà xe nhằm lên kế hoạch cho quá trình điều chuyển diễn ra như đúng lịch trình.

Dieu-chuyen-ben-xe-3

Theo hành khách, việc điều chuyển đã gây tốn kém về thời gian và chi phí đi lại… Ảnh Trí Kiên

Tính đến sáng 2/1/2017, số xe điều chuyển đi bến xe Yên Nghĩa đã hoàn tất. Các nhà xe đều thực hiện và có kế hoạch thông báo với hành khách của mình. Đối với nhà xe chuyển từ các bến về Giáp Bát sẽ thực hiện trong chiều ngày 2/1/2017.

Để đảm bảo quá trình điều chuyển diễn ra suôn sẻ, ban quản lý cũng đã có buổi trao đổi và nghe nguyện vọng của nhà xe trong diện điều chuyển".

Dieu-chuyen-ben-xe-4

Đến nay 20 "lốt" xe đã chuyển từ bến Giáp Bát về bến xe Yên Nghĩa. Ảnh Trí Kiên

Trao đổi về vấn đề trên, Anh L.T. - đại diện nhà xe H.L (chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội) chia sẻ: "Khoảng một tuần trước khi quyết định có hiệu lực, nhà xe đã lên kế hoạch thông báo với hành khách về việc chuyển từ Giáp Bát về Yên Nghĩa. 

Việc điều chuyển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nhà xe nhưng phía thành phố đã có quyết định nên chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện theo".

Dieu-chuyen-ben-xe-5

Trong sáng 2/1/2017, đã có 9 "lốt" chuyển từ các bến về Giáp Bát, còn một số "lốt" do đang trong kỳ nghỉ nên sẽ tiếp tục vào hôm sau. Ảnh Trí Kiên

Tại bến xe Nước Ngầm, theo ghi nhận của PV, chiều 2/1/2017, lượng khách không quá đông.

Một nhân viên thu vé tại đây cho hay, việc điều chuyển vẫn được thực hiện nhưng nhìn chung bến xe không có nhiều thay đổi, bởi lẽ tất cả đã nằm trong kế hoạch. Số lượng xe trong diện điều chuyển không quá nhiều, cùng với đó, khách tại đây chủ yếu là từ Hà Tĩnh, Nghệ An nên rất khó xảy ra chuyện quá tải.

Hành khách lúng túng, kêu trời vì giá vé

Việc điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội có hiệu lực đúng vào dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Chính vì vậy, nhiều hành khách không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí kêu trời vì "bỗng dưng" chi phí đi lại bị đội lên gấp đôi so với bình thường.

Chị Nguyễn Lê Trúc, hành khách đến từ Lý Nhân (Hà Nam) cho biết, việc điều chuyển khiến chị phải bắt thêm xe ôm để vào nội đô chữa bệnh:

Dieu-chuyen-ben-xe-8

Sáng nay, tại bến xe Nước Ngầm và Yên Nghĩa lượng xe trong diện điều chuyển cũng đã di chuyển vào bến đúng tuyến nhằm thực hiện đúng kế hoạch điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội. Ảnh Trí Kiên

"Tôi quê Hà Nam, bị khối u ở cổ họng, hai vợ chồng làm lụng vất vả dành dụm được ít tiền nên lên BV Bạch Mai thăm khám. Ban đầu đi cứ nghĩ xe vào Giáp Bát như thường lệ nhưng khi lên xe, nhà xe có nói về việc điều chuyển nên xe sẽ trả khách ở bến Nước Ngầm.

Do chặng đường dài hơn nên chúng tôi lại mất thêm 80.000 đồng tiền xe ôm để tới bệnh viện, bằng với giá vé 2 vợ chồng đi từ quê ra tới đây. Như vậy, chi phí đi lại giờ đã tăng lên gấp đôi".

Dieu-chuyen-ben-xe-7

Anh Lê Minh Giám than phiền việc điều chuyển khiến anh phải mất thêm chi phí đi lại, tăng thêm một quãng đường khá xa so với trước kia. Ảnh Trí Kiên

Cùng tâm trạng vì bị "đội" thêm chi phí đi lại, anh Lê Minh Giám cho biết: "Từ bến Yên Nghĩa vào trung tâm thành phố khoảng 20 km nên chúng tôi phải đi taxi hoặc xe ôm.

Đi như thế này tôi thấy bất tiện vì ngồi hơn 100km xe khách với giá vé chưa đến 100.000 đồng, sau đó phải xuống bến bắt xe ôm gần 20km với giá vé 70.000 đồng để vào trung tâm thành phố thì thật là quá khổ. Chí phí đi lại giờ tăng lên hơn 1,5 lần so với trước đó".

Như trước đó đã đưa tin, theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ 2/1/2017 các tuyến xe ở bến trung tâm và ngoại thành sẽ được luân chuyển để tránh ùn tắc.

Theo đó, Sở điều chỉnh 691 nốt với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. 

Các tuyến xe đi Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến Nước Ngầm.

Các tuyến xe đi Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.

Sở GTVT Hà Nội lý giải, việc điều chuyển nhằm tránh các tuyến xe khách đi vào nội đô, tránh hoạt động chồng chéo. Đặc biệt, việc điều chuyển các tuyến xe phù hợp với cung đường, tránh xung đột giao thông và để xe khách của các tỉnh đến từ phía Bắc, Nam, Đông, Tây sẽ đến đón trả khách tại các bến xe nằm ở phía tương ứng của Hà Nội.

Trí Kiên
Theo Đời sống Plus