Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:01
RSS

Điều chuyển bến xe Mỹ Đình: Nhà xe kêu phá sản, đòi đối thoại với Chủ tịch Hà Nội

Thứ bảy, 31/12/2016, 20:48 (GMT+7)

Trong cuộc họp với Sở GTVT Hà Nội vào chiều 31/12, hàng loạt nhà xe đã lên tiếng phản đối việc điều chuyển bến xe Mỹ Đình bởi nguy cơ phá sản cao.

Chiều nay 31/12/2016, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức buổi đối thoại với đại diện cá nhà xe, doanh nghiệp vận tải về phương án điều chuyển bến xe Mỹ Đình và nhiều bến xe khách liên tỉnh khác trên địa bàn thành phố.

Trước đó, Hà Nội đã lên kế hoạch điều chuyển bến xe khách từ ngày 2/1/2017 để giảm ùn tắc giao thông

Doanh nghiệp lo phá sản

Phát biểu trong buổi đối thoại, ông Trần Quảng (đại diện các doanh nghiệp vận tải ở Thanh Hoá) cho hay trước đó, doanh nghiệp đã được Sở GTVT Hà Nội nhiều lần mời đến làm việc song không giải quyết được vấn đề. Do đó, các nhà xe muốn gặp và đối thoại trực tiếp với đại diện của Bộ GTVT cũng như Chủ tịch Hà Nội, báo Trí Thức Trẻ đưa tin.

điều chuyển bến xe Mỹ Đình 1

Ông Quảng cho rằng việc điều chuyển bến xe Mỹ Đình sẽ khiến nhà xe phá sản. Ảnh Zing News

Ông Quảng nhấn mạnh, thay vì điều chuyển hành khách liên tỉnh, có rất nhiều giải pháp vừa giảm thiểu nạn ùn tắc ở Hà Nội, vừa không làm ảnh hưởng tới lợi ích của người dân và nhà xe  như xử lý bến cóc, xe dù,… Ông Quảng cũng dẫn chứng, trong trung tâm Hà Nội dù không có xe khách vẫn tắc nghẽn bởi ý thức người tham gia giao thông và cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm.

Đại diện cho các nhà xe ở Thanh Hoá cho biết 12 năm trước, doanh nghiệp ông đã phải chuyển từ bến xe Giáp Bát sang bến xe Mỹ Đình. Suốt nhiều năm liền phải chịu lỗ, đến khi nhà xe bắt đầu có khách tại bến Mỹ Đình thì nay lại phải chuyển sang bến Nước Ngầm.

Ông Quảng đề xuất, việc điều chuyển bến xe ở Hà Nội phải phụ thuộc vào nhu cầu đi lại của người dân. Ông Quảng chất vấn, vì sao mật độ khách ở bến xe Mỹ Đình cao mà lại đẩy doanh nghiệp về bến xe Nước Ngầm vốn vắng khách.

Đặc biệt, bến xe Nước ngầm xa trung tâm và cách đó 2km còn có bến xe Giáp Bát nên sẽ không có hành khách chịu về bến Nước Ngầm. Thêm vào đó, giá dịch vụ tại bến Nước Ngầm lại đắt gấp 5 – 6 lần, như vậy thì nhà xe chỉ còn nước phá sản.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Nga (Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô của tỉnh Ninh Bình) bổ sung thêm, hiện bến Nước Ngầm đang thuộc quyền sở hữu tư nhân. Nếu bến xe này bị chủ sở hữu thu hồi lại, các nhà xe sẽ phải đi đâu về đâu.

điều chuyển bến xe Mỹ Đình 2

Hành khách “bơ vơ” vì nhà xe “đình công” phản đối Hà Nội điều chuyển bến xe. Ảnh Dân Trí

Trong khi đó, Giám đốc nhà xe Hoàng Phương (Thanh Hoá) cho hay, trước đó doanh nghiệp bà từng thử vào bến xe Nước Ngầm nhưng sau buộc phải bỏ cuộc vì quá vắng, khách chỉ vào bến Giáp Bát gần đó. Bà Hoàng lo ngại việc điều chuyển bến xe khách Mỹ Đình sẽ khiến các doanh nghiệp lỗ nặng hoặc thậm chí là phá sản, đồng thời buộc hành khách phải tốn thêm tiền xe ôm, xe buýt để đi từ trung tâm ra bến xe Nước Ngầm.

 Sở GTVT Hà Nội nói gì?

Trả lời câu hỏi của các nhà xe về vấn đề điểu chuyển bến xe Mỹ Đình về bến Nước Ngầm, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đây là một trong những giải pháp để chống tắc nghẽn giao thông. Nếu quy định điều chuyển xe khách trái pháp luật Sở GTVT Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm trước thành phố.

Zing News trích lời ông Viện cho hay, Sở đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh đã vượt qua khó khăn, phục vụ người dân. Tuy nhiên, việc nhà xe từ chối chở khách, để mặc người dân “bơ vơ” ở bến xe Mỹ Đình như sáng 31/12 là không thể chấp nhận được.

điều chuyển bến xe Mỹ Đình 3

Ông Viện khẳng định không có “lợi ích nhóm” trong việc điều chuyển bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh Trí Thức Trẻ

Khi được hỏi liệu quyết định điều chuyển bến xe chỉ trong 8 ngày có quá gấp gáp hay không, ông Viện cho biết bắt buộc phải làm vậy bởi nếu để lâu sẽ trùng sát với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, khi đó tình hình giao thông trên địa bàn thành phố sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Ông Viện khẳng định, không hề có chuyện “lợi ích nhóm” hay ưu tiên đặc biệt cho một doanh nghiệp nào trong việc chuyển tuyến, phân luồng xe khách liên tỉnh. Hiện, Tổng cục Đường bộ và Sở đang khẩn trương rà soát lại trên 4.700 tuyến xe khách liên tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp.

Dĩ nhiên, Sở GTVT Hà Nội mong muốn tất cả các doanh nghiệp ổn định sớm nhất có thể để tiếp tục hoạt động. Ông Viện nhấn mạnh, không bao giờ có chuyện Sở làm khó các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung là giảm ùn tắc, một số nhà xe sẽ phải tạm hy sinh lợi ích trong việc điều chuyển bến xe Mỹ Đình.

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus